Phá thai là một vấn đề pháp lý và xã hội liên quan đến quyền của người phụ nữ nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi những tranh cãi về quyền tự quyết của phụ nữ, đạo đức và trách nhiệm y tế vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người thắc mắc: Liệu pháp luật Việt Nam có cho phép phá thai không? Có bị phạt nếu xúi giục hoặc ép buộc người khác phá thai?
1. Phá thai có bị cấm theo quy định pháp luật hiện hành?
Căn cứ tại Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định:
Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
Điều 44. Quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai.
1- Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.
2- Bộ y tế có trách nhiệm củng cố, phát triển mạng lưới chuyên khoa phụ sản và sơ sinh đến tận cơ sở để bảo đảm phục vụ y tế cho phụ nữ.
3- Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật nạo thai, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp.
Phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng, tuy nhiên việc phá thai phải được thực hiện tại các cơ sở được cấp phép. Theo Hướng dẫn quốc gia của Bộ Y tế (QĐ 4128/QĐ-BYT năm 2016), thai trên 22 tuần tuổi không được phép phá trừ khi có lý do y khoa đặc biệt.
Việc phá thai ở tuần thứ 13–22 có thể thực hiện bằng thuốc hoặc nong và gắp, tuy nhiên cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình y tế.
Ví dụ thực tế:
Nguy kịch vì tự phá thai 22 tuần tại nhà: Cảnh báo hậu quả nghiêm trọng
Tháng 3/2022, một phụ nữ 25 tuổi ở Quảng Ninh tự mua thuốc phá thai và sử dụng tại nhà khi thai được 22 tuần tuổi. Sau khi uống thuốc, cô bị đau bụng dữ dội và chảy máu nhiều, được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị vỡ tử cung tại vị trí sẹo mổ cũ, dẫn đến mất máu nghiêm trọng. Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt quy trình "báo động đỏ" nội viện, tiến hành phẫu thuật cấp cứu, cắt tử cung bán phần và truyền máu để cứu sống bệnh nhân. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cô dần ổn định. Trường hợp này là lời cảnh báo về nguy cơ nghiêm trọng khi tự ý phá thai tại nhà, đặc biệt ở thai kỳ lớn.
Nguồn: VietNamNet News
2. Hành vi dụ dỗ, ép buộc người khác phá thai bị xử phạt thế nào?
Việc ép buộc hay xúi giục người mang thai phá thai vì lý do lựa chọn giới tính là hành vi bị nghiêm cấm và xử phạt. Pháp luật quy định rõ mức xử phạt hành chính cho từng hành vi liên quan đến việc phá thai vì lý do giới tính tại Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:
Điều 100. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
5. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
Các mức phạt tăng dần theo tính chất hành vi – từ lời nói mang tính thuyết phục đến đe dọa, rồi dùng vũ lực. Ngoài ra, nếu người cung cấp thuốc hay chỉ dẫn phá thai biết rõ mục đích là lựa chọn giới tính, họ cũng có thể bị phạt đến 15–20 triệu đồng, và bị tước giấy phép hành nghề từ 3–12 tháng.
Ví dụ thực tế:
Phòng khám tại TP.HCM bị phạt 202 triệu đồng vì ép bệnh nhân phá thai và "vẽ bệnh moi tiền"
Tháng 9/2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt một phòng khám trên địa bàn với số tiền 202 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong thời hạn 4 tháng do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là hành vi ép bệnh nhân phá thai. Theo phản ánh, phòng khám này đã dụ dỗ, gây áp lực buộc một phụ nữ phải chuyển tiền để thực hiện thủ thuật phá thai dù chưa có chỉ định y khoa rõ ràng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định phòng khám đã tư vấn sai lệch, vẽ bệnh để moi tiền bệnh nhân, đồng thời thực hiện các dịch vụ ngoài phạm vi được cấp phép. Đặc biệt nghiêm trọng là việc ép buộc bệnh nhân chuyển khoản để tiến hành thủ thuật trong tình trạng tâm lý hoang mang, lo lắng. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quyền được tư vấn trung thực của người bệnh.
Căn cứ theo các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh và bảo vệ quyền lợi bệnh nhân, Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động của phòng khám. Vụ việc là lời cảnh báo về tình trạng lạm dụng thủ thuật y tế vì lợi nhuận và sự cần thiết của việc giám sát chặt chẽ các cơ sở y tế tư nhân.
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV
3. Xúi giục, đe dọa người khác phá thai có bị truy cứu hình sự không?
Nhiều người thắc mắc liệu việc ép buộc hay xúi giục phá thai có bị truy tố hình sự không. Pháp luật chỉ xử lý hình sự đối với người thực hiện phá thai trái phép, không áp dụng với người chỉ xúi giục hoặc ép buộc (trừ khi có tình tiết cấu thành tội khác như hành hạ, cố ý gây thương tích…). Theo Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện phá thai trái phép cho người khác sẽ bị xử lý hình sự theo quy định sau:
Điều 316. Tội phá thai trái phép
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội phá thai trái phép chỉ áp dụng với bác sĩ, y sĩ hoặc người không có chuyên môn nhưng vẫn thực hiện hành vi phá thai trái pháp luật, gây ra hậu quả nghiêm trọng như tử vong, tổn thương sức khỏe. Người xúi giục hay ép buộc chỉ bị xử lý hành chính, trừ khi cấu thành tội khác.
Ví dụ thực tế:
Nữ y sĩ phá thai "chui" khiến cô gái trẻ tử vong, lĩnh án 7 năm tù
Tháng 6/2013, bà Hồ Thị Thu Vân (SN 1961, trú tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), một y sĩ sản khoa không có giấy phép hành nghề, đã thực hiện phá thai "chui" cho cô Nguyễn Thị Ngọc H. (20 tuổi) mang thai 22 tuần tuổi. Sau thủ thuật kéo dài nhiều giờ tại phòng khám tự mở tại nhà, H. bị biến chứng nặng và tử vong do nhiễm trùng huyết và suy đa tạng. Bà Vân bị bắt và bị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tuyên phạt 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác".
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử
4. Kết luận
Pháp luật Việt Nam không cấm phá thai, nhưng hành vi phá thai chỉ được thực hiện khi đúng thủ tục, đúng người có chuyên môn và trước thời điểm 22 tuần tuổi. Những hành vi dụ dỗ, ép buộc phá thai vì lý do giới tính sẽ bị xử phạt hành chính. Chỉ người trực tiếp thực hiện phá thai trái phép gây hậu quả nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.