Ranh giới giữa phong tục và hành vi vi phạm pháp luật lại rất mong manh. Không ít trường hợp, việc "bắt vợ" đã trở thành hành vi cưỡng ép, khiến người bị hại tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Vậy pháp luật nhìn nhận hành vi này như thế nào? Có bị xử phạt không nếu người phụ nữ không đồng ý?
1. "Bắt vợ" có vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình?
Tục bắt vợ là một phong tục truyền thống của một số dân tộc thiểu số, trong đó người nam cùng bạn bè hoặc người thân đến "bắt" cô gái mình muốn lấy làm vợ mà không qua các bước hỏi cưới thông thường. Đây được coi là cách thể hiện quyết tâm và tình cảm của người nam, tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc "bắt vợ" xảy ra trái với ý muốn của người phụ nữ, khiến họ bị ép buộc kết hôn và vi phạm quyền tự do trong hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định rõ về nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân:
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
....
2. Cấm các hành vi sau đây:
...
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
...
Quy định này khẳng định nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân là tự nguyện, bình đẳng. Do đó, kể cả khi mang danh nghĩa là “bắt vợ theo phong tục”, nhưng nếu người bị bắt không đồng ý, hành vi đó vẫn bị coi là cưỡng ép kết hôn và bị pháp luật nghiêm cấm. Phong tục, tập quán không thể là lý do để biện minh cho việc vi phạm quyền nhân thân của người khác.
Tình huống giả định:
Công an giải cứu thiếu nữ bị “bắt vợ” trái ý, xử lý hành vi cưỡng ép kết hôn theo luật
Anh Sùng A Páo (22 tuổi, Lai Châu) muốn kết hôn với chị Lò Thị Mai (17 tuổi) nhưng bị chị từ chối. Tối ngày 12/3/2025, Páo cùng nhóm bạn đến nhà ép chị Mai về làm vợ theo phong tục "bắt vợ", mặc cho chị Mai chống cự quyết liệt. Công an xã Tả Phìn và Công an huyện Sìn Hồ nhanh chóng đến hiện trường, giải cứu chị Mai. Qua điều tra, công an xác định hành vi này là cưỡng ép kết hôn, vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân và Gia đình. Páo bị xử lý hành chính, đồng thời công an cũng tăng cường tuyên truyền pháp luật để ngăn chặn các trường hợp tương tự xảy ra tại địa phương.
(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính tham khảo)
2. Cưỡng ép kết hôn có bị phạt không?
Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bao gồm hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
...
Căn cứ theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau:
Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Hành vi cưỡng ép kết hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu đã bị xử phạt mà vẫn tái phạm, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 181 Bộ luật Hình sự, với mức phạt đến 3 năm tù.
Tình huống giả định:
Tái phạm hành vi "bắt vợ" trái ý, nam thanh niên bị Tòa án tuyên án tù giam
Vàng A Tủa (25 tuổi, Điện Biên) từng bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng vào năm 2023 vì ép buộc một cô gái về làm vợ theo phong tục “bắt vợ”. Tuy nhiên, đến tháng 3/2024, Tủa tiếp tục tái phạm với chị Sồng Thị Cúc (17 tuổi), khi cùng nhóm bạn khống chế và đưa chị về nhà để tổ chức lễ cưới trái ý. Gia đình nạn nhân làm đơn tố cáo, vụ việc được chuyển đến TAND huyện Mường Chà. Căn cứ Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015, do Tủa đã từng bị xử phạt hành chính trước đó, lần vi phạm này đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Kết quả, Tòa tuyên phạt Tủa 9 tháng tù giam và buộc xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất tinh thần cho nạn nhân.
(Tình huống trên đây là vấn đề không có thật, chỉ mang tính tham khảo)
3. Kết luận
Việc bắt vợ nếu không có sự đồng thuận từ cả hai phía thì không còn là phong tục mà đã trở thành hành vi vi phạm pháp luật. Tôn trọng quyền tự do kết hôn là nguyên tắc cơ bản trong xã hội hiện đại, bất kỳ hành vi cưỡng ép nào cũng có thể bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.