Chồng có được ly hôn khi vợ đang mang thai con người khác?

Chồng có được ly hôn khi vợ đang mang thai con người khác?

Quy định pháp luật về quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang mang thai nhưng đứa trẻ không phải con ruột của chồng

Khi hôn nhân rạn nứt, việc ly hôn là lựa chọn không ai mong muốn nhưng đôi khi là cần thiết. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn nếu người vợ đang mang thai, mà thai nhi lại không phải con của chồng. Trong trường hợp này, liệu người chồng có thể đơn phương ly hôn theo quy định pháp luật hay không?


1. Khái niệm ly hôn theo quy định pháp luật là gì?

Khái niệm ly hôn theo quy định pháp luật là gì?

Trả lời vắn tắt: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng thông qua quyết định của Tòa án.

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Luật Hôn nhân gia đình 2014

Điều 3. Giải thích từ ngữ

...

14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

...

Ví dụ thực tế:

Quyết định số 65/2025/QĐST-HNGĐ ngày 13/3/2025 của TAND huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai về công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận nuôi con

Ngày 13/3/2025, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 65/2025/QĐST-HNGĐ công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Nguyễn Thị Ngọc P (sinh năm 1992) và ông Trần Văn B (sinh năm 1991), cùng trú tại xã T, huyện V, tỉnh Đồng Nai. Hai bên kết hôn hợp pháp vào năm 2015, nay không còn tình cảm, không thể tiếp tục chung sống và đã thỏa thuận tự nguyện ly hôn. Về con chung, họ có hai người con là Trần Hoàng M. (sinh năm 2018) và Trần Ngọc Khánh M. (sinh năm 2023); hai bên thống nhất để bà P trực tiếp nuôi cả hai con, ông B tạm thời không phải cấp dưỡng, nhưng vẫn có quyền và nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở. Về tài sản và nợ chung, hai bên không có yêu cầu nên tòa án không xem xét. Mỗi người chịu 150.000 đồng lệ phí sơ thẩm, đã nộp đủ. Quyết định có hiệu lực pháp luật ngay khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao


2. Chồng có quyền ly hôn khi vợ đang mang thai con của người khác không?

Chồng có quyền ly hôn khi vợ đang mang thai con của người khác không?

Trả lời vắn tắt: Không. Theo pháp luật hiện hành, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn nếu vợ đang mang thai, kể cả thai nhi không phải con của mình.

Trong thực tế, không ít trường hợp người chồng phát hiện vợ đang mang thai nhưng đứa trẻ không phải con ruột của mình. Câu hỏi đặt ra là liệu người chồng có được quyền yêu cầu ly hôn trong tình huống trớ trêu này hay không? Để làm rõ, cần căn cứ vào các quy định cụ thể của pháp luật.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Luật Hôn nhân gia đình 2014

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

...

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

....

Và theo khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình:

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

Điều 2. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình

...

4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

...

Luật quy định rõ ràng: người chồng không thể đơn phương yêu cầu ly hôn trong thời gian vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi – dù đứa trẻ không phải con ruột của mình. Đây là một chính sách nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn nhạy cảm nhất về thể chất và tinh thần.

Tình huống giả định:

Anh Phạm Văn Minh (32 tuổi, ngụ tại Quận 7, TP.HCM) chung sống với vợ là chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (30 tuổi) được hơn 4 năm. Gần đây, anh phát hiện chị Hằng có mối quan hệ ngoài luồng và đang mang thai với người khác. Cho rằng cuộc hôn nhân đã đổ vỡ và không thể tiếp tục, anh Minh nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân Quận 7.

Sau khi xem xét đơn và hồ sơ, Tòa án đã thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, Tòa án xác định vợ anh Minh đang mang thai, nên căn cứ theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong thời gian này – dù đứa trẻ không phải con ruột của mình.

Do đó, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, và thông báo anh Minh chỉ có thể tiếp tục yêu cầu ly hôn khi một trong hai điều kiện xảy ra: (1) người vợ tự nguyện yêu cầu ly hôn hoặc (2) sau khi chị Hằng sinh con và đứa trẻ đủ 12 tháng tuổi.

(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính tham khảo)

3. Có những hình thức ly hôn nào theo quy định pháp luật?

Có những hình thức ly hôn nào theo quy định pháp luật?

Trả lời vắn tắt: Có hai hình thức ly hôn: Thuận tình ly hônLy hôn đơn phương.

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án. Pháp luật Việt Nam hiện hành chia ly hôn thành hai loại chính. Việc phân biệt hai hình thức này giúp các bên lựa chọn phương án phù hợp trong từng trường hợp.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định 2 hình thức ly hôn tại Điều 55 và Điều 56:

Luật Hôn nhân gia đình 2014

Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

  • Thuận tình ly hôn: Hai bên đồng ý ly hôn và đã thỏa thuận rõ ràng về việc chia tài sản, chăm sóc con cái. Tòa án sẽ công nhận sự thuận tình ly hôn nếu xét thấy các thỏa thuận là hợp pháp và đảm bảo quyền lợi cho các bên, đặc biệt là quyền lợi của con cái.

  • Ly hôn đơn phương: thường xảy ra khi mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng và không thể hàn gắn. Khi chỉ một người muốn ly hôn và chứng minh được rằng hôn nhân không thể tiếp tục vì lý do bạo lực, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hôn nhân, hoặc người kia bị Tòa tuyên bố mất tích. Người yêu cầu phải chứng minh được: Cuộc sống hôn nhân không còn hạnh phúc và Việc tiếp tục chung sống là không thể. 

Ví dụ thực tế: 

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Nguyễn Tùng L - Lê Thị D

Bản án số 48/2025/QĐCNTTLH của Tòa án Nhân dân Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, giải quyết ly hôn giữa anh Nguyễn Tùng L và chị Lê Thị D, xuất phát từ mâu thuẫn dẫn đến việc chấm dứt quan hệ hôn nhân. Theo đó, anh Nguyễn Tùng L được giao nuôi cháu Nguyễn Lê Bảo A (sinh ngày 11/12/2020), còn chị Lê Thị D nuôi cháu Nguyễn Ngọc N (sinh ngày 21/7/2022) đến khi các cháu đủ 18 tuổi và có khả năng lao động. Cả hai không phải cấp dưỡng nuôi con, nhưng được quyền thăm nom con mà không gây ảnh hưởng tiêu cực. Không có tài sản chung, riêng hay nợ chung. Quyết định có hiệu lực từ ngày 03/04/2025, do thẩm phán Nguyễn Thị Phương ký, và được gửi đến các cơ quan liên quan để thi hành.

Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao


4. Kết luận

Pháp luật Việt Nam hiện hành rất rõ ràng trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ. Người chồng không thể đơn phương ly hôn trong các trường hợp này – kể cả khi không phải con ruột của mình. Đồng thời, hiểu rõ về các hình thức ly hôn là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên khi hôn nhân không còn hạnh phúc.

Tố Uyên
Biên tập

Là một người yêu thích phân tích các vụ việc pháp lý và luôn cập nhật các vấn đề thời sự pháp luật, Uyên luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa độ chính xác và tính truyền cảm trong từng sản phẩm biên tập. Đố...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Choose your rating score:
Name (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Rating content