Viết tiếp tác phẩm sau khi tác giả qua đời có vi phạm quyền tác giả không?

Viết tiếp tác phẩm sau khi tác giả qua đời có vi phạm quyền tác giả không?

Viết tiếp tác phẩm khi tác giả đã qua đời có thể vi phạm quyền nhân thân, quyền tài sản nếu không có sự đồng ý của người thừa kế quyền tác giả.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả được pháp luật công nhận và bảo hộ không chỉ khi tác giả còn sống mà cả sau khi qua đời. Thực tế vẫn ghi nhận nhiều trường hợp cá nhân tiếp tục viết thêm hoặc phát triển nội dung dựa trên tác phẩm của người đã mất mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả (thường là người thừa kế hợp pháp). Đây là vấn đề pháp lý quan trọng vì liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm.

1. Viết tiếp tác phẩm sau khi tác giả qua đời có vi phạm quyền tác giả không?

Viết tiếp tác phẩm sau khi tác giả qua đời có vi phạm quyền tác giả không?

Trả lời vắn tắt: Có thể có. Nếu không được sự đồng ý của người thừa kế hợp pháp thì hành vi viết tiếp có thể bị xem là xâm phạm quyền tác giả.

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009):

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Điều 4. Giải thích từ ngữ

....

2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

...

Và theo Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022):

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Sau khi tác giả qua đời, các quyền nhân thân như quyền công bố, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền tài sản như quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ được chuyển giao cho người thừa kế hợp pháp. Do đó, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào muốn công bố lại, sửa chữa, phóng tác, cải biên hoặc viết tiếp một tác phẩm đã có đều phải xin phép và được sự đồng ý từ chủ sở hữu quyền tác giả hiện tại. Nếu tự ý viết tiếp và công bố phần nội dung mới mà không có sự chấp thuận hợp pháp, hành vi đó có thể bị coi là xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính, buộc gỡ bỏ tác phẩm, bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho chủ sở hữu quyền tác giả. Đây là nguyên tắc nhằm bảo vệ giá trị gốc và công lao sáng tạo của tác giả cũng như quyền lợi chính đáng của người thừa kế hợp pháp.

Tình huống giả định:

Tòa xử tranh chấp quyền nhân thân khi viết tiếp tác phẩm của người đã mất

Tháng 5/2025, ông Trần Văn Dũng, một nhà văn nổi tiếng tại TP. Huế, qua đời để lại bản thảo chưa hoàn chỉnh của tiểu thuyết mang tên "Đêm trên phá Tam Giang". Sau khi ông mất, ông Nguyễn Hoàng Long – một đồng nghiệp thân thiết từng cộng tác với ông Dũng – đã sử dụng bản thảo dang dở này để viết tiếp và xuất bản thành sách. Cuốn sách được phát hành với tên đồng tác giả là "Trần Văn Dũng – Nguyễn Hoàng Long".

Sau khi sách ra mắt, bà Nguyễn Thị Mai, vợ hợp pháp và là người thừa kế quyền tác giả của cố nhà văn Trần Văn Dũng, đã khởi kiện ông Long ra TAND TP. Huế, yêu cầu tòa án xác định hành vi viết tiếp tác phẩm khi chưa được sự cho phép là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, đặc biệt là quyền công bố tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại phiên tòa, phía bị đơn cho rằng việc viết tiếp là để hoàn tất tâm nguyện của người bạn, với thiện chí tôn vinh di sản văn học. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xác định rằng hành vi này đã vi phạm quyền nhân thân của cố tác giả vì tác phẩm chưa được cố tác giả công bố hoặc cho phép công bố, nên quyền công bố chưa được thực hiện theo đúng luật.Người thực hiện viết tiếp không có sự cho phép từ người thừa kế hợp pháp, cũng không được ủy quyền bằng văn bản trước đó.

Tòa án tuyên buộc ông Nguyễn Hoàng Long ngừng phát hành, thu hồi bản in, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng cho gia đình cố nhà văn Trần Văn Dũng.

(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính chất tham khảo)

2. Trường hợp nào được xem là đồng tác giả?

Trường hợp nào được xem là đồng tác giả?

Trả lời vắn tắt: Chỉ khi các bên cùng sáng tạo một tác phẩm ngay từ đầu, sử dụng thời gian, tài chínhcơ sở vật chất để cùng làm việc thì mới được xem là đồng tác giả.

Căn cứ Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Điều 38. Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả

1. Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với tác phẩm đó.

2. Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với phần riêng biệt đó.

Một người chỉ được coi là đồng tác giả khi cùng tham gia sáng tạo tác phẩm ngay từ đầu, trong cùng một quá trình hợp tác, có sự thống nhất về nội dung, hình thức và đóng góp rõ ràng. Nếu phần sáng tạo của mỗi người là riêng biệt, có thể tách rời và sử dụng độc lập, thì chỉ có quyền tác giả đối với phần mình sáng tạo. Trong trường hợp người viết tiếp không hề hợp tác với tác giả gốc và cũng không được tác giả ủy quyền hoặc phân công, thì không thể xem là đồng tác giả. Dù phần viết thêm được độc giả yêu thích, điều đó không làm thay đổi bản chất pháp lý nếu không có sự đồng thuận của chủ sở hữu quyền tác giả.

Ví dụ thực tế:

Họa sĩ Lê Linh thắng kiện, được công nhận là tác giả duy nhất bộ truyện Thần đồng đất Việt

Vụ tranh chấp bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt kéo dài suốt hơn 12 năm giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị đã khép lại tại phiên sơ thẩm ngày 18/2 tại TAND quận 1 (TP.HCM). Tòa tuyên Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện và bốn nhân vật chính gồm Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo, bác bỏ yêu cầu công nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc công ty Phan Thị – là đồng tác giả.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2007 khi Lê Linh phát hiện tên bà Hạnh được ghi là đồng tác giả trong hồ sơ đăng ký bản quyền dù ông là người trực tiếp sáng tác từ tập 1 đến tập 78. Trong quá trình xét xử, tòa xác định công ty Phan Thị từng nhiều lần công khai thừa nhận vai trò của họa sĩ Lê Linh, từ thông tin in trên bìa truyện đến mô tả chi tiết trong các tập truyện. Tòa cũng chỉ rõ rằng các ý tưởng từ phía bà Hạnh không đủ điều kiện được pháp luật bảo hộ vì không thể hiện dưới hình thức vật chất.

Tòa yêu cầu Công ty Phan Thị phải xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh trong ba kỳ báo liên tiếp, bồi thường 15 triệu đồng phí luật sư và dừng ngay việc sử dụng nhân vật biến thể từ bộ truyện. Dù luật sư phía bị đơn tuyên bố sẽ kháng cáo, phán quyết này được xem là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật tại Việt Nam.

Nguồn: VnExpress

3. Viết tiếp phần mới của một tác phẩm có coi là làm tác phẩm phái sinh không?

Viết tiếp phần mới của một tác phẩm có coi là làm tác phẩm phái sinh không?

Trả lời vắn tắt:. Việc viết tiếp theo cốt truyện hoặc nội dung có sẵn của tác phẩm gốc là hình thức tạo ra tác phẩm phái sinh và phải được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Dẫn chiếu từ Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022):

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm đã có – như viết tiếp, chuyển thể, cải biên... Do đó, người viết tiếp nội dung hoặc sáng tạo dựa theo cốt truyện, nhân vật, không gian trong tác phẩm gốc mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì có thể bị xem là vi phạm quyền tài sản. Luật quy định rất rõ, làm tác phẩm phái sinh là quyền tài sản độc quyền của chủ sở hữu. Kể cả khi phần viết mới có sáng tạo độc lập nhưng vẫn dựa vào nền tảng nội dung cũ thì vẫn cần xin phép và trả thù lao nếu có. Vi phạm quyền này có thể bị xử phạt hành chính, buộc thu hồi, tiêu hủy tác phẩm vi phạm hoặc khởi kiện dân sự.

Ví dụ thực tế:

Truyện Kiều là một tác phẩm phái sinh có giá trị sáng tạo độc lập.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học kiệt xuất của Việt Nam, đồng thời cũng là một tác phẩm phái sinh từ tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc mang tên Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy nhiên, Nguyễn Du không chỉ dịch lại nguyên văn mà đã chuyển thể, sáng tạo, nâng tầm tác phẩm gốc thành một kiệt tác thơ Nôm với cấu trúc lục bát và tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mang đậm hồn Việt.

Trong các công trình nghiên cứu và trưng bày, nhiều tài liệu đã chỉ ra cách Nguyễn Du giữ lại cốt truyện chính nhưng cải biến lời thoại, tâm lý nhân vật và triết lý nhân sinh, từ đó khẳng định Truyện Kiều không phải là bản sao mà là tác phẩm có giá trị độc lập, sáng tạo vượt bậc. Vì vậy, dù là phái sinh về cốt truyện, Truyện Kiều vẫn được tôn vinh là tác phẩm văn học độc lập có giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc, ghi dấu ấn riêng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nguồn: Báo Tiền Phong

4. Kết luận

Việc viết tiếp tác phẩm của người đã mất mà không có sự cho phép của người thừa kế quyền tác giả có thể cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả. Hành vi này không thể được coi là sáng tác độc lập hay đồng tác giả nếu không có sự hợp tác ngay từ đầu. Khi muốn phát hành phần tiếp theo, cá nhân phải được sự đồng ý hợp pháp từ chủ sở hữu quyền tác giả. Việc tuân thủ đúng quy định không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi tác giả, mà còn là hành vi thể hiện sự tôn trọng công sức sáng tạo và giá trị văn hóa.

Tố Uyên
Biên tập

Là một người yêu thích phân tích các vụ việc pháp lý và luôn cập nhật các vấn đề thời sự pháp luật, Uyên luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa độ chính xác và tính truyền cảm trong từng sản phẩm biên tập. Đố...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Mức đánh giá của bạn:
Tên (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Nội dung đánh giá