Trịnh Văn Quyết - Hồ sơ vụ án | Case study lừa đảo - thao túng thị trường chứng khoán

Trịnh Văn Quyết - Hồ sơ vụ án (Case study)
0%

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Thao túng thị trường chứng khoán là gì? Người mang những tội danh này sẽ đối mặt với bản án như thế nào? Cùng tìm hiểu qua case study vụ án điển hình của 1 trong những người doanh nhân từng được xã hội ngưỡng mộ - Trịnh Văn Quyết!

LƯU Ý

Bài viết này được viết chỉ nhằm mục đích làm tài liệu tham khảo kiến thức pháp luật dưới dạng case study, KHÔNG nhằm mục đích bôi xấu, hạ bệ danh dự, tiết lộ bí mật đời tư của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Mọi thông tin, dẫn chứng trong bài viết đều được trích dẫn từ các nguồn thông tin đã được đăng công khai hợp pháp, báo chí chính thống.



THÔNG TIN VỤ ÁN

Tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thao túng thị trường chứng khoán
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm khác
Bị hại Nhà đầu tư (ước tính 25.853 người)
Bản án sơ thẩm 21 năm tù (3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản)
Bản án phúc thẩm 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phạt tiền 4 tỷ đồng về tội thao túng chứng khoán


Trịnh Văn Quyết từng là một doanh nhân đáng ngưỡng mộ


trinh-van-quyet-khoi-nghiep.jpg

Ảnh: Báo Thanh Niên

Quá trình khởi nghiệp
2001
Trịnh Văn Quyết, sinh năm 1975 tại Vĩnh Phúc, là người khởi nghiệp từ khi còn ngồi giảng đường Đại học Luật Hà Nội. Bằng ý chí vươn lên, ông sớm gây dựng văn phòng luật SMiC (Công ty Luật TNHH SMiC vào năm 2001), đặt nền móng cho con đường đầu tư và kinh doanh.
(Theo flc.vn)

Quá trình vươn lên với FLC
2010
Với tầm nhìn táo bạo cùng bộ óc nhạy bén trong lĩnh vực bất động sản, vào năm 2010, ông đã sáng lập Tập đoàn FLC và ghi dấu ấn với những dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn trên khắp cả nước. Ông nổi bật với triết lý “biến sỏi đá thành vàng”, chinh phục những vùng đất đầy thử thách để biến chúng thành điểm sáng du lịch.
(Theo flc.vn)

flc-halong-bay.jpg

Khu FLC Hạ Long Bay (Ảnh Booking.com)

co-phieu-faros.jpg

Cổ phiếu FAROS (Báo Thanh Niên)

Lên đỉnh cao tài chính với FAROS
2016
Vào ngày 11 tháng 11 năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhờ vào sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros, nơi ông nắm giữ gần 280 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 65% cổ phần. Tổng giá trị tài sản của ông vào thời điểm đó ước tính gần 30.800 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD)
(Theo bnews.vn)

Cất cánh bay cao với Bamboo Airways
2017
Không dừng lại ở bất động sản, ông còn hiện thực hóa giấc mơ hàng không bằng việc đưa Bamboo Airways cất cánh. (Ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu tham gia lĩnh vực hàng không vào năm 2017 khi thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways.) Hãng bay trẻ này từng vượt khủng hoảng Covid, đạt chỉ số đúng giờ dẫn đầu và khẳng định vị thế đáng tự hào trên bầu trời Việt Nam.
(Theo bambooairways.com)

bamboo-airway.jpg

Ảnh: bambooairways.com

Quá trình phạm tội của ông Trịnh Văn Quyết

Nâng khống vốn điều lệ
2014 - 2016

Ông Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2016. Hành vi này nhằm mục đích niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, từ đó tạo điều khiện để chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng từ nhà đầu tư.

(Theo Báo Vietnamnet)

nang-von-dieu-le.jpg


ban-chui-co-phieu.jpg

Bán chui cổ phiếu FLC
11/2017
Ông Trịnh Văn Quyết bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 65 triệu đồng
(Theo VNExpress)

Bán chui cổ phiếu FLC
01/2022
Ông Quyết lén bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC (trong kế hoạch bán 175 triệu) trong một phiên, khiến khối lượng giao dịch FLC vọt lên ~135 triệu cổ phiếu (bình thường chỉ 15–40 triệu) và giá cổ phiếu sáng tăng trần rồi chiều giảm sàn, gây náo loạn thị trường
(Theo Báo Tuổi Trẻ)

ban-chui-co-phieu.jpg

thao-tung-gia-co-phieu.jpg

Thao túng giá cổ phiếu
2017 - 2022
Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo mở 500 tài khoản, trực tiếp đứng tên 23 tài khoản và lập 20 công ty “ma” để thao túng giá 5 mã cổ phiếu (FLC, ROS, ART, HAI, AMD) giai đoạn 5/2017–1/2022. Hơn 27.000 lệnh mua bán ảo được thực hiện, giúp ông và đồng phạm thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
(Theo Tuổi Trẻ)

Quá trình ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và điều tra

Sở giao dịch chứng khoán hủy giao dịch bán chui
11/01/2022

Sở HoSE theo chỉ đạo của UBCKNN hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết và phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mua số cổ phiếu bị huỷ lệnh được trả lại tiền; lãnh đạo UBCKNN khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc

(Theo vneconomy.vn)

huy-giao-dich.jpg 

xu-phat-hanh-chinh.jpg


Ông Quyết bị xử phạt hành chính
18/01/2022
UBCKNN ban hành quyết định phạt ông Quyết 1,5 tỷ đồng (mức tối đa) và đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin
(Theo Tuổi Trẻ)

Ông Quyết bị cấm xuất cảnh
26/03/2022
Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh 1 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết (từ 26/3 đến 25/4/2022) và mời làm việc phục vụ điều tra
(Theo Báo Tuổi Trẻ)

can-xuat-canh.jpg

ong-quyet-bi-bat

Ảnh: VNExpress

Ông Quyết bị bắt tạm giam và khám xét
29/03/2022
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) khởi tố vụ án và bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, đồng thời khám xét chỗ ở và trụ sở FLC tại 21 địa điểm liên quan trong tối cùng ngày. Ngay sau đó, UBCKNN yêu cầu FLC công bố thông tin kịp thời và khuyến cáo nhà đầu tư bình tĩnh để ổn định thị trường
(Theo VNExpress)

Khởi tố em gái của ông Quyết (đồng phạm)
02/04/2022

C01 khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế (em ruột ông Quyết, cán bộ kế toán FLC) với vai trò đồng phạm giúp sức thao túng chứng khoán, đồng thời bắt tạm giam 3 tháng đối với Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty CP Chứng khoán BOS với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết

(Theo VNeconomy)

 khoi-to

bat-giu.jpg 

Em gái của ông Quyết bị bắt giữ
05/04/2022

C01 khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế (em ruột ông Quyết, cán bộ kế toán FLC) với vai trò đồng phạm giúp sức thao túng chứng khoán.

(Theo VNeconomy)

Bắt thêm lãnh đạo FLC và BOS
08/04/2022

C01 tiếp tục bắt tạm giam bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch Thường trực FLC, Chủ tịch Chứng khoán BOS) và bà Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc BOS) do đồng phạm giúp sức ông Quyết thao túng, che giấu thông tin chứng khoán.

Theo VNExpress

bat-giu-them.jpg 

dinh-chi-giao-dich

Đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC
09/09/2022

HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC do FLC tiếp tục vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin sau khi đã bị hạn chế giao dịch trước đó (không họp ĐHĐCĐ thường niên, không có BCTC kiểm toán...)

Theo Báo Pháp Luật

Hủy niêm yết cổ phiếu FLC
14/02/2023

HoSE quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ 20/02/2023 nhằm bảo vệ nhà đầu tư, sau hơn 5 tháng cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch. Lý do: FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và không khắc phục được các vấn đề quản trị. Đến đầu 2024, toàn bộ các mã cổ phiếu thuộc “họ FLC” (FLC, ROS, ART, HAI, KLF, AMD, GAB) đều đã lần lượt bị hủy niêm yết hoặc đình chỉ giao dịch

Theo Báo Pháp Luật

huy-niem-yet 

khoi-to 

Khởi tố thêm 15 bị can - Mở rộng điều tra
23/06/2023

C01 khởi tố thêm 15 bị can là người thân, nhân viên của ông Quyết do liên quan hành vi nâng khống vốn và giúp sức chiếm đoạt tài sản (thuộc giai đoạn điều tra bổ sung vụ án).

Theo Báo Chính Phủ

Trả hồ sơ điều tra
02/01/2024

Viện KSND Tối cao trả hồ sơ vụ án FLC, yêu cầu C01 điều tra bổ sung để làm rõ thêm một số tình tiết trước khi truy tố.

Theo Báo Chính Phủ

ho-so-dieu-tra 

khoi-to 

Khởi tố thêm 22 bị can - Mở rộng điều tra
31/01/2024

C01 điều tra mở rộng và khởi tố thêm 22 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan nâng khống vốn Công ty Faros, gồm nhiều cựu lãnh đạo FLC/Faros và người thân ông Quyết (như ông Doãn Văn Phương – nguyên TGĐ FLC). Các bị can mới bị bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra giai đoạn cuối.

Theo Báo Tiền Phong

Kết thúc điều tra
24/02/2024

C01 ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố tổng cộng 51 bị can trong đại án FLC. Trong đó, ông Quyết và 7 người khác bị truy tố cả hai tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời 7 cựu cán bộ thuộc UBCKNN, HoSE, VSD bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn và cố ý làm trái quy định về công bố thông tin.

Theo Báo Dân Trí

ket-thuc-dieu-tra.jpg 

nop-khac-phuc 

Ông Quyết nộp khắc phục 254 tỷ đồng

Trước 05/08/2024

Ông Trịnh Văn Quyết (cá nhân bị cáo) nộp khắc phục 254 tỷ đồng

Theo Báo Dân Việt

Quá trình xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết

Tuyên án sơ thẩm
05/08/2024

Sau 14 ngày xét xử, TAND Hà Nội tuyên phạt Trịnh Văn Quyết tổng cộng 21 năm tù (3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đúng bằng mức Viện Kiểm sát đề nghị. Nhiều đồng phạm cũng lĩnh án tù giam (bà Trịnh Thị Minh Huế 14 năm, Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm, Hương Trần Kiều Dung 8 năm 6 tháng, Trịnh Văn Đại 11 năm, v.v.) Bản án xác định ông Quyết và đồng phạm đã thu lợi bất chính 723 tỷ từ thao túng 5 mã cổ phiếu (AMD, HAI, GAB, FLC, ART) giai đoạn 2017–2022, và chiếm đoạt 3.620 tỷ từ phát hành cổ phiếu khống như cáo trạng nêu.

(Theo Báo Chính Phủ)

trinh-van-quyet-tai-toaẢnh: Báo Chính Phủ 

nop-khac-phuc 

Vợ ông Quyết thay chồng nộp khắc phục 203 tỷ đồng
13/12/2024
Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) Nộp tiền khắc phục hậu quả thay chồng (bồi thường dân sự cho bị hại) 203 tỷ đồng
(Theo Cafebiz)

Vợ ông Quyết thay chồng nộp khắc phục 105 tỷ đồng
19/12/2024
Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) Nộp tiền khắc phục hậu quả thay chồng (bồi thường dân sự cho bị hại) 105 tỷ đồng
(Theo Cafebiz)

nop-khac-phuc

hoan-phien-toa


Hoãn phiên phúc thẩm lần 1 do tình trạng sức khỏe ông Quyết
26/12/2024
TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm nhưng phải tạm hoãn do bị cáo Trịnh Văn Quyết vắng mặt vì sức khỏe nguy kịch (ho ra máu, suy thận, viêm gan, nguy cơ tử vong). HĐXX dời phiên tòa để đảm bảo quyền lợi các bên, dự kiến mở lại cuối tháng 3/2025
(Theo Tuổi Trẻ)

Gia đình ông Quyết và người thân các bị cáo nộp khắc phục 367 tỷ đồng 
Sau 26/12/2024
Gia đình ông Quyết và người thân các bị cáo nộp tiền khắc phục (bồi thường dân sự cho bị hại) 203 tỷ đồng
(Theo tinnhanhchungkhoan)

nop-khac-phuc

hoan-phien-toa

Hoãn phiên phúc thẩm lần 2 do tình trạng sức khỏe ông Quyết
25/03/2025
Phiên tòa phúc thẩm lần hai tiếp tục phải hoãn vì ông Quyết vẫn điều trị bệnh nặng tại bệnh viện (bị lao phổi, suy tim cấp độ 3, nhiều bệnh nền nguy hiểm). Tòa cho biết việc hoãn nhằm chờ bị cáo phục hồi và khuyến khích các bị cáo khắc phục hậu quả nhiều hơn. Tính đến cuối 3/2025, gia đình ông Quyết và hai em gái đã nộp thêm 367 tỷ đồng, nâng tổng tiền khắc phục lên khoảng 1.000 tỷ đồng. Phiên phúc thẩm được dời sang cuối tháng 6/2025
(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Gia đình ông Quyết thay bị cáo nộp khắc phục 100 tỷ đồng 
Sau 11/04/2025
Gia đình ông Quyết và người thân các bị cáo nộp tiền khắc phục (bồi thường dân sự cho bị hại) 100 tỷ đồng
(Theo tinnhanhchungkhoan)

nop-khac-phuc

nop-khac-phuc 

Vợ ông Quyết thay chồng nộp khắc phục 1400 tỷ đồng
17/06/2025
Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) nộp đợt tiền lớn 1400 tỷ đồng để hoàn tất khắc phục hậu quả.
(Theo Báo Thanh Niên)

Gia đình ông Quyết thay bị cáo nộp tiền đảm bảo nghĩa vụ nộp phạt 
18/06/2025
Gia đình ông Quyết Nộp tiền bảo đảm nghĩa vụ nộp phạt (nếu tòa cho chuyển án tù sang phạt tiền) 24.5 tỷ đồng. Tổng tiền dư để nộp phạt ~47 tỷ (sẵn sàng dùng nộp phạt cho ông Quyết và đồng phạm nếu được chấp thuận, tiền thừa sẽ sung công quỹ). Nhờ có khoản đảm bảo này và đã khắc phục xong hậu quả, tòa phúc thẩm đồng ý cho chuyển hình phạt tù sang phạt tiền đối với tội thao túng chứng khoán cho ông Quyết và một số bị cáo khác
(Theo tinnhanhchungkhoan)

nop-khac-phuc 

toa-phuc-tham

Phúc thẩm: giảm án
26/06/2025
TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm và quyết định giảm mạnh hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết do đã khắc phục toàn bộ hậu quả. Ông Quyết chỉ còn bị phạt 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phạt tiền 4 tỷ đồng về tội thao túng chứng khoán (bãi bỏ hình phạt 3 năm tù của tội thao túng và giảm 11 năm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

So với án sơ thẩm 21 năm, ông Quyết được giảm 14 năm tù, nhờ gia đình đã nộp đủ 2.470 tỷ đồng bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư (thậm chí nộp dư 20 tỷ so với trách nhiệm dân sự của ông).

Hai em gái ông Quyết cũng được giảm sâu hình phạt, trong đó một người được tuyên trả tự do tại tòa do thời gian tạm giam bằng án phạt. Nhóm 21 bị cáo phạm tội thao túng chứng khoán đều được chuyển hình phạt từ tù giam sang phạt tiền. Tòa ghi nhận hơn 100 bị hại và nhiều tổ chức cá nhân đã gửi đơn xin giảm nhẹ cho ông Quyết, cùng tình tiết sức khỏe ông nguy kịch, để áp dụng chính sách khoan hồng nhân đạo
(Theo Tuổi Trẻ)

VÌ SAO TRỊNH VĂN QUYẾT BỊ KHÉP VÀO TỘI THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?

Ông Quyết bị khép vào tội thao túng thị trường chứng khoán bởi

CÁC HÀNH VI

Chỉ đạo mở 500 tài khoản chứng khoán: Ông Quyết chỉ đạo em gái và các cộng sự mượn danh nghĩa của 45 người khác để mở 500 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán, trong đó ông trực tiếp đứng tên 23 tài khoản.
(Theo Tuổi Trẻ)


Thao túng 5 mã cổ phiếu: Thông qua các tài khoản này, ông Quyết và đồng phạm thực hiện hơn 27.000 lệnh mua bán đối với 5 mã cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC (FLC, ROS, ART, HAI, AMD), tạo cung cầu giả nhằm đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ)


Bán chui cổ phiếu: Tháng 11/2017, ông Trịnh Văn Quyết bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 65 triệu đồng. (Theo VNExpress) Ngày 10/1/2022, ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin trước khi giao dịch, vi phạm quy định về công bố thông tin trong hoạt động chứng khoán. (Theo Báo Tuổi Trẻ)

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội "Thao túng thị trường chứng khoán" áp dụng cho hành vi tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán nhằm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: sử dụng nhiều tài khoản để mua bán chứng khoán tạo cung cầu giả, giao dịch nội gián, và các hành vi khác nhằm thao túng giá chứng khoán.




VÌ SAO TRỊNH VĂN QUYẾT BỊ KHÉP VÀO TỘI THAO LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN?

Ông Quyết bị khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi

CÁC HÀNH VI

Nâng khống vốn điều lệ: Ông Trịnh Văn Quyết, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS), đã chỉ đạo việc nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, ông Quyết thực hiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu ROS trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). (Theo Báo Vietnamnet)

Phát hành và bán cổ phiếu của công ty được nâng khống: Thông qua việc phát hành và bán cổ phiếu ROS với giá trị không thực, ông Quyết đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Số tiền chiếm đoạt được sử dụng vào các mục đích cá nhân và đầu tư vào các dự án khác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. (Theo Báo Vietnamnet)

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", áp dụng cho hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi nâng khống vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu không có giá trị thực nhằm thu hút vốn đầu tư được xác định là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.




VÌ SAO ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT ĐƯỢC GIẢM ÁN ĐÁNG KỂ?

Ông Trịnh Văn Quyết được giảm án từ 21 năm tù xuống còn 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và phạt tiền 4 tỷ đồng về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" dựa trên các căn cứ sau:

KHẮC PHỤC TOÀN BỘ HẬU QUẢ VỤ ÁN

So với án sơ thẩm 21 năm, ông Quyết được giảm 14 năm tù, nhờ gia đình đã nộp đủ 2.470 tỷ đồng bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư (thậm chí nộp dư 20 tỷ so với trách nhiệm dân sự của ông). (Theo Tuổi Trẻ)

NHIỀU TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ

Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải: Ông Quyết thừa nhận hành vi phạm tội và hợp tác với cơ quan điều tra.

Sức khỏe yếu: Trước phiên phúc thẩm, ông được xác định mắc nhiều bệnh nghiêm trọng như lao ác tính, viêm dạ dày, suy thận cấp, cần điều trị tích cực và không thể tham dự phiên tòa. (Theo Tuổi Trẻ)

Được nhiều tổ chức, cá nhân xin giảm nhẹ: Tòa án phúc thẩm nhận hơn 5.000 đơn xin giảm án cho ông Quyết từ các bị hại, tổ chức và địa phương, cho thấy sự ủng hộ và đánh giá tích cực từ cộng đồng. (Theo VNExpress)

ĐỀ NGHỊ TỪ VIỆN KIỂM SÁT

Đánh giá các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, Viện Kiểm sát đã đề nghị giảm án cho ông Quyết từ 21 năm tù xuống còn 7-8 năm tù và chuyển hình phạt tù 3 năm về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" sang phạt tiền 4 tỷ đồng. (Theo VNExpress)

QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA PHÚC THẨM

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát và các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt ông Trịnh Văn Quyết 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và phạt tiền 4 tỷ đồng về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tòa cũng ghi nhận số tiền khắc phục thừa sẽ được sung vào ngân sách nhà nước. (Theo Cafeland)




VIỆC GIẢM ÁN CHO ÔNG QUYẾT CÓ ĐƯỢC XEM LÀ HỢP TÌNH HỢP LÝ?

Có thể thấy rằng tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, kết quả khắc phục hậu quả, cùng với sự thành khẩn của bị cáo, đồng thời vẫn giữ nguyên tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi gian dối, gây hậu quả nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán

Vì vậy, mặc dù việc giảm án cho ông Trịnh Văn Quyết từ 21 năm tù xuống còn 7 năm tù phạt tiền 4 tỷ đồng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, tuy nhiên, xét theo quy định pháp luật và các tình tiết giảm nhẹ như trên được áp dụng, thì Trợ Lý Luật cho rằng quyết định này có thể được coi là hợp tình, hợp lý.

 

LỜI KẾT

Vụ án Trịnh Văn Quyết cho thấy mọi hành vi thao túng, gian dối trên thị trường tài chính đều để lại hậu quả rất lớn và không thể thoát khỏi trách nhiệm pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng sẽ luôn có cơ chế khoan hồng cho những ai biết sai và sửa sai!

Minh Dương
Biên tập

Là chuyên viên pháp lý tận tâm, vui vẻ với kinh nghiệm gần 6 năm trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp. Công việc chính và thường xuyên của Minh Dương là tư vấn về những vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp;...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Mức đánh giá của bạn:
Tên (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Nội dung đánh giá