Trách nhiệm pháp lý khi không cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Trách nhiệm pháp lý khi không cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng đối với người được cấp dưỡng.

Sau ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định để bảo đảm cho cuộc sống của người được cấp dưỡng. Tuy nhiên, có người lại trốn tránh nghĩa vụ này. Việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc phạt tù lên đến 2 năm. 

1. Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ cấp dưỡng?

Trả lời vắn tắt: Pháp luật quy định cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hônnghĩa vụ bắt buộc phải cấp dưỡng cho con đến khi con đủ tuổi thành niên hoặc có khả năng tự nuôi sống. Việc trốn tránh có thể bị xử phạt hành chính, cưỡng chế thi hành án hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.

Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ cấp dưỡng?


Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

4. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

...

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

...

Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

6. Trường hợp khác theo quy định của luật.

Cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ bắt buộc của cha mẹ khi không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Dù không sống cùng con, cha hoặc mẹ vẫn phải có trách nhiệm đóng góp chi phí để đảm bảo việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con đến khi con đủ tuổi thành niên. Trường hợp con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn tiếp tục.

Việc cấp dưỡng không phụ thuộc vào ý chí riêng của người không nuôi con, mà là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc được luật quy định rõ. Nếu cố tình trốn tránh hoặc vi phạm nghĩa vụ này, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính, cưỡng chế thi hành án hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành.

Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn không kéo dài vô thời hạn mà sẽ chấm dứt khi có căn cứ theo quy định pháp luật, chẳng hạn như khi con đã đủ tuổi và có khả năng tự lập.

Tình huống giả định 

Chị Vũ Thị Thảo và anh Nguyễn Minh Trường ly hôn vào cuối năm 2023 sau hơn 6 năm chung sống và có một con chung là bé Nguyễn Vũ Thiên An, sinh năm 2018. Khi giải quyết ly hôn, cả hai đều thống nhất để chị Thảo là người trực tiếp nuôi dưỡng bé Thiên An. Tuy nhiên, anh Trường cho rằng mình không có thu nhập ổn định do mới nghỉ việc nên không thể cấp dưỡng, và đề nghị Tòa án không buộc anh phải đóng góp chi phí nuôi con.

Tòa án xác định, dù hiện tại anh Trường không có hợp đồng lao động chính thức, nhưng vẫn đang làm việc tự do với thu nhập hàng tháng trung bình khoảng 8–10 triệu đồng. Đồng thời, theo quy định tại Điều 82 và Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng, miễn là còn khả năng thực tế. Do đó, Tòa án tuyên buộc anh Trường phải cấp dưỡng hàng tháng 3 triệu đồng để cùng chị Thảo đảm bảo điều kiện nuôi dạy con đến khi bé đủ tuổi thành niên.

(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính chất tham khảo)

2. Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn bị xử lý như thế nào?

Trả lời vắn tắt: Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có thể bị phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm sau khi đã bị xử phạt, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức án lên đến 2 năm tù.

Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn bị xử lý như thế nào?


Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2018 (sửa đổi bổ sung 2017)

Bộ luật Hình sự 2015

Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Pháp luật hiện hành quy định rõ việc không cấp dưỡng cho con sau ly hôn là hành vi vi phạm, và tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đầy đủ theo đúng quy định pháp luật hoặc quyết định của Tòa án. Đây là biện pháp nhằm bảo vệ quyền được nuôi dưỡng của con chưa thành niên hoặc con không có khả năng tự nuôi sống.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người có khả năng cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh, dẫn đến việc con rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, hoặc đã từng bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Tình huống giả định 

Anh Trần Đức Minh và chị Lê Thị Hải Yến ly hôn vào năm 2021 theo bản án của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức. Theo phán quyết, chị Yến được quyền trực tiếp nuôi con chung là bé Trần Hải Đăng (sinh năm 2015), còn anh Minh có nghĩa vụ cấp dưỡng 4 triệu đồng mỗi tháng để hỗ trợ nuôi con cho đến khi bé đủ 18 tuổi.

Dù có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh quán cà phê riêng, anh Minh hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ thời điểm bản án có hiệu lực. Sau nhiều lần bị nhắc nhở, đến đầu năm 2023, anh Minh bị xử phạt vi phạm hành chính vì trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng vẫn tiếp tục cố tình phớt lờ yêu cầu của cơ quan thi hành án và gia đình bên vợ cũ. Trong thời gian này, bé Hải Đăng phải nghỉ học do mẹ không còn khả năng đóng học phí, sức khỏe cũng suy giảm nghiêm trọng vì thiếu điều kiện chăm sóc.

Sau khi sự việc được phản ánh, cơ quan công an xác minh rõ anh Minh hoàn toàn có khả năng cấp dưỡng nhưng cố tình trốn tránh, và hành vi của anh khiến con ruột lâm vào tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe. Căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, anh Minh bị khởi tố về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, với mức hình phạt có thể lên đến 2 năm tù.

(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính chất tham khảo)

Kết luận 

Nghĩa vụ cấp dưỡng là trách nhiệm pháp lý bắt buộc sau ly hôn. Trường hợp một bên không thực hiện, bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án buộc thi hành. Hành vi trốn tránh nghĩa vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Nghi Doanh
Biên tập

Mình là Lưu Trần Nghi Doanh, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Mình tin rằng khi nắm được các kiến thức về pháp luật sẽ giúp cho bản thân tiếp thu dễ dàng hơn các kiến...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Mức đánh giá của bạn:
Tên (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Nội dung đánh giá