Hiện nay, tình trạng giả danh công an để gọi điện thoại đe dọa, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân đang diễn ra khá phổ biến. Hành vi này không chỉ gây hoang mang cho xã hội mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính cho các nạn nhân. Vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hành vi này? Người thực hiện hành vi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
1. Người giả danh công an để yêu cầu chuyển tiền có bị xử lý hình sự không?
Thời gian gần đây, không ít người dân bị gọi điện từ các số lạ, xưng là công an, viện kiểm sát hoặc tòa án, rồi yêu cầu chuyển tiền để “kiểm tra tài khoản” hoặc “hỗ trợ điều tra”. Nhiều người vì lo sợ hoặc thiếu hiểu biết đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho kẻ gian. Đây là hành vi lừa đảo tinh vi, lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản.
Hành vi giả danh công an đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản là một hình thức của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định rất rõ về tội danh này:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Việc giả danh công an để đe dọa và yêu cầu chuyển tiền là hành vi lừa đảo có tổ chức, lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mức án cao nhất có thể là tù chung thân nếu giá trị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng.
Ví dụ thực tế:
Giả danh công an lừa 4 cụ bà hơn 1,3 tỷ đồng, nhóm bị cáo lĩnh án đến 16 năm tù
Ngày 9/5/2024, TAND TP. Hà Nội xét xử và tuyên án ba bị cáo ở Thái Thụy, Thái Bình gồm Lê Văn Trình (16 năm tù), Nguyễn Đình Quang (14 năm 6 tháng tù) và Đào Viết Điệp (2 năm tù) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sửa chữa giấy tờ của cơ quan, tổ chức”. Nhóm này đã giả danh công an, gọi điện lừa bốn cụ bà chuyển hơn 1,3 tỷ đồng vào tài khoản để “chứng minh vô tội” trong một vụ án giả định. Sau khi nhận tiền, các đối tượng chia nhỏ, chuyển qua nhiều tài khoản rồi rút tại cây ATM để tránh bị phát hiện. Vụ án là lời cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm vào người cao tuổi.
Nguồn: Báo VietnamPLus
2. Giả danh công an nhưng không chiếm đoạt tài sản có bị xử lý không?
Ngay cả khi không có hành vi chiếm đoạt tài sản, việc giả danh công an để thực hiện các hành vi trái pháp luật khác (ví dụ: đe dọa, gây rối trật tự công cộng...) cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo Điều 339 Bộ luật Hình sự:
Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác
Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Việc mạo danh công an để gây áp lực, đe dọa, khám xét, bắt giữ người trái phép… dù không chiếm đoạt tài sản vẫn là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và lòng tin của người dân. Do đó, người thực hiện có thể bị xử lý hình sự với tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”.
Ví dụ thực tế:
Bốn đối tượng giả danh công an, bắt giữ người và cướp tài sản ở Đà Nẵng bị khởi tố
Ngày 13/12/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố và bắt tạm giam bốn đối tượng: Lê Kim Khánh (SN 1984, Quảng Nam), Nguyễn Thị Thanh Toán (SN 1975, Bình Dương), Nguyễn Bá Tuấn (SN 1968, Long An) và Hoàng Phong Phú (SN 1995, TP.HCM) về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản”.
Chiều 6/12/2024, anh Nguyễn Minh T. (27 tuổi, Quảng Nam) đang chờ đón khách tại đường 29/3 (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thì bị hai đối tượng tiếp cận, xưng là công an, còng tay và trùm đầu, sau đó đưa về một căn phòng giả làm trụ sở công an. Tại đây, nhóm này còng anh T. vào ghế, lấy điện thoại, ba thẻ ngân hàng và ép cung cấp mật khẩu, chiếm đoạt 96 triệu đồng.
Sau khi thả anh T. về, nghi ngờ bị lừa, anh đã trình báo công an. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 8/12, lực lượng chức năng đã bắt giữ cả bốn nghi phạm tại nhiều địa phương khác nhau. Tang vật thu giữ gồm ba giấy chứng minh công an nhân dân giả, hai còng số 8 và một số tiền liên quan.
Nhóm đối tượng khai nhận đã lên kế hoạch giả danh công an để bắt giữ và chiếm đoạt tài sản nhằm trả nợ và tiêu xài.
Nguồn: Báo Công An
3. Nếu người phạm tội tự đầu thú có được giảm nhẹ hình phạt không?
Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
...
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
...
Người phạm tội tự ra đầu thú, hợp tác với cơ quan điều tra, có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ ăn năn của người phạm tội, hậu quả đã xảy ra và thái độ khắc phục hậu quả.
Ví dụ thực tế:
Giả danh công an lừa lấy xe máy rồi bỏ trốn hơn 3 năm, đối tượng ra đầu thú tại Quảng Bình
Ngày 23/6/2014, Hà Danh Tuyên (40 tuổi, trú tại xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) giả danh cán bộ công an mặc thường phục đi điều tra vụ buôn bán tiền giả. Lợi dụng lòng tin của chị N.L.H. khi biết con trai chị muốn thi vào trường Cảnh sát, Tuyên hứa giúp đỡ. Ngày hôm sau, Tuyên hẹn chị H. cùng con trai gặp lãnh đạo trường tại TP. Đồng Hới. Khi thấy chị H. chở con trai bằng xe máy Air Blade, Tuyên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Tuyên lừa chở con trai chị H. đi gặp lãnh đạo nhưng sau đó đã bỏ lại cháu tại khách sạn rồi chiếm đoạt xe máy và đem cầm cố lấy tiền tiêu xài. Sau hơn 3 năm bỏ trốn, được vận động từ phía gia đình và công an, Tuyên đã ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV
4. Kết luận
Giả danh công an không chỉ là hành vi lừa đảo mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan nhà nước. Dù có chiếm đoạt tài sản hay không, người vi phạm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mỗi cá nhân cần tỉnh táo, hiểu rõ các dấu hiệu vi phạm để tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi.