Ghi nhãn hàng hóa sai quy định bị xử lý thế nào?

Ghi nhãn hàng hóa sai quy định bị xử lý thế nào?

Ghi nhãn hàng hóa là hoạt động bắt buộc, nếu sai quy định hoặc thiếu tiếng Việt có thể bị xử phạt. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, nhập khẩu hành hóa phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

Ghi nhãn hàng hóa là bước quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm phù hợp và là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân vẫn vi phạm quy định về ghi nhãn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến ngôn ngữ, tính trung thực và đầy đủ. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc ghi nhãn hàng hóa? Những ai phải chịu trách nhiệm? Và nếu không ghi bằng tiếng Việt thì có bị phạt không?

Ghi nhãn hàng hóa là gì? Có bắt buộc không?

Ghi nhãn hàng hóa là gì? Có bắt buộc không?

Trả lời vắn tắt: Ghi nhãn hàng hóa là việc thể hiện thông tin cơ bản về sản phẩm trên nhãn để người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn, và cơ quan chức năng kiểm tra., bắt buộc ghi nhãn hàng hóa để hàng hóa được lưu thông hợp pháp trên thị trường Việt Nam.

Dựa trên quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP):

Nghị định 43/2017/NĐ-CP

Điều 3. Giải thích từ ngữ

...

2. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;

....

Căn cứ theo quy định pháp luật, ghi nhãn hàng hóa là việc thể hiện những thông tin cần thiết về sản phẩm lên bao bì, nhãn dán hoặc phương tiện khác gắn trên hàng hóa. Mục đích là để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, thành phần, cách sử dụng và các cảnh báo liên quan đến sản phẩm. Việc ghi nhãn cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý kiểm tra chất lượng, xử lý vi phạm. Đây là nghĩa vụ bắt buộc với tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu.

Tình huống giả định

Công ty TNHH Thương mại Kim Ánh – trụ sở tại TP.Huế – chuyên kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu từ Thái Lan. Trong một đợt khuyến mãi lớn tháng 2/2025, công ty nhập về hơn 2.000 hộp bánh ngọt để phân phối cho hệ thống đại lý tại miền Trung. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm chỉ có nhãn tiếng Thái, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện thành phần, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hay xuất xứ theo đúng quy định pháp luật.

Khi đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra kho hàng, toàn bộ số bánh trên bị lập biên bản vi phạm hành chính do không có nhãn phụ tiếng Việt, không thể hiện thông tin sản phẩm bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Phía công ty Kim Ánh trình bày rằng do sản phẩm được đặt hàng gấp, chưa kịp dán tem nhãn phụ nên mới đưa ra thị trường, nhưng đoàn kiểm tra không chấp nhận lý do này và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời buộc thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm.

(Tình huống trên là giả định, chỉ mang tính tham khảo)

Ai Chịu Trách Nhiệm Ghi Nhãn Hàng Hóa?

Ai Chịu Trách Nhiệm Ghi Nhãn Hàng Hóa?

Trả lời vắn tắt: Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa chịu trách nhiệm ghi nhãn trung thực, chính xác, kể cả khi giao cho bên thứ ba thực hiện.

Những người chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 111/2021/NĐ-CP) như sau:

Nghị định 43/2017/NĐ-CP

Điều 9. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa

1. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

2. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.

3. Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.

Pháp luật đã quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thuộc về nhà sản xuất (đối với hàng hóa trong nước) hoặc nhà nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu). Họ phải đảm bảo nhãn hàng hóa trung thực, rõ ràng, và đúng với đặc tính sản phẩm. Ngay cả khi thuê bên thứ ba in nhãn, nhà sản xuất hoặc nhập khẩu vẫn chịu trách nhiệm pháp lý nếu nhãn sai sót. Đối với hàng xuất khẩu bị trả lại và đưa ra thị trường nội địa, đơn vị lưu hành cũng phải ghi nhãn theo quy định.

Ví dụ thực tế

Theo bài viết trên báo Lao Động (ngày 21/09/2023), Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Sông Ngân (địa chỉ thôn Nại, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) do bà Trần Thị Sông Ngần làm chủ bị xử phạt vì vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Trong một đợt kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 5 Thái Bình

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 3.450 gói bánh (bánh gạo lứt, bánh cốm giòn, bánh ngũ cốc) vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 50.768.550 đồng. Theo Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Sông Ngân vi phạm trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu. Bà Ngần bị xử phạt hành chính số tiền 6 triệu 250 nghìn đồng và bị yêu cầu bổ sung nhãn phụ đầy đủ trước khi tiếp tục lưu hành lô hàng. 

Nguồn: Báo Lao Động

Có bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa bằng tiếng Việt không?

Có bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa bằng tiếng Việt không?

Trả lời vắn tắt: Có. Nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải có tiếng Việt, trừ một số thông tin khoa học đặc thù.

Dựa trên quy định tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP) về ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa:

Điều 7. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa

1. Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

Căn cứ cơ sở pháp lý trên ta thấy, Luật yêu cầu tất cả các thông tin bắt buộc trên nhãn hàng hóa như tên sản phẩm, thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo, tên và địa chỉ nhà sản xuất/phân phối… phải được trình bày bằng tiếng Việt để đảm bảo người tiêu dùng Việt Nam có thể đọc hiểu được. Đối với hàng nhập khẩu, nếu nhãn gốc chưa thể hiện đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải bổ sung nhãn phụ. Một số nội dung chuyên ngành như tên hóa học, công thức hoặc tên quốc tế có thể được ghi bằng ngôn ngữ Latinh nhưng không được làm nổi bật hơn nội dung tiếng Việt.

Ví dụ thực tế

Vào lúc 20h10 ngày 16/4/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình, phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an tỉnh Hòa Bình, tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 29KT-107.47. Xe này đang vận chuyển hàng hóa nhận chuyển phát cho ông Bùi Văn Khóa, trú tại xóm Minh Sơn, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 141 chiếc nồi chiên không dầu, nhãn hiệu CAA-201, xuất xứ từ Trung Quốc, với tổng trị giá theo hóa đơn là 152.421.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa này có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Đội QLTT số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình Đội trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Mức phạt tiền là 13.750.000 đồng.

Nguồn: Bộ Công Thương Việt Nam

Kết luận

Ghi nhãn hàng hóa là yêu cầu pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ nhà sản xuất quảng bá sản phẩm, và giúp cơ quan chức năng kiểm soát thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm ghi nhãn trung thực, chính xác, và sử dụng tiếng Việt cho các nội dung bắt buộc theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 111/2021/NĐ-CP). Việc tuân thủ quy định này không chỉ tránh được các hình phạt hành chính mà còn xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và nâng cao uy tín thương hiệu.


Như Quỳnh
Biên tập

Là một biên tập viên tận tâm và đam mê ngôn ngữ, Như Quỳnh luôn nỗ lực mang đến những nội dung chất lượng, chính xác và hấp dẫn cho độc giả. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực biên tập. Ngoài công...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Mức đánh giá của bạn:
Tên (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Nội dung đánh giá