Dán quảng cáo lên cột điện có bị phạt không?

Dán quảng cáo lên cột điện có bị phạt không?

Dán quảng cáo lên cột điện là hành vi bị pháp luật cấm, có thể bị phạt đến 2 triệu đồng và buộc tháo gỡ nội dung vi phạm.

Việc dán quảng cáo, phát tờ rơi lên cột điện, trụ tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều đô thị, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn rủi ro an toàn. Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi này bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt hành chính kèm theo biện pháp buộc tháo dỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

1. Có được dán quảng cáo, tờ rơi lên cột điện không?

Trả lời vắn tắt: Không! Dán quảng cáo, phát tờ rơi lên cột điện, trụ điện hoặc cột tín hiệu giao thông là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Có được dán quảng cáo, tờ rơi lên cột điện không?

Theo quy định tại khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012

Luật Quảng cáo 2012

Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
...

16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Hành vi dán quảng cáo, phát tờ rơi lên cột điện, trụ điện hay các cột tín hiệu giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, pháp luật nghiêm cấm việc treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên các vị trí công cộng như cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh. Đây là quy định nhằm bảo đảm an toàn công cộng, phòng ngừa các rủi ro liên quan đến hệ thống điện, giao thông, đồng thời gìn giữ mỹ quan đô thị.

Trên thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng các vị trí dễ thấy để dán quảng cáo dịch vụ như cho vay tiền, sửa chữa điện lạnh, gia sư... mà không được phép, gây mất trật tự, làm xấu hình ảnh đô thị. Những hành vi này không chỉ bị ngăn cấm bởi Luật Quảng cáo, mà còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Tình huống giả định 

Tháng 6 năm 2024, sau một đợt suy giảm doanh thu nghiêm trọng vì bị cắt hợp đồng bảo trì điện lạnh với một hệ thống nhà hàng lớn, anh Nguyễn Văn Thức – chủ cơ sở dịch vụ điện lạnh tư nhân "Thức Phát" tại thành phố Thủ Đức – đã quyết định chuyển sang hình thức tiếp thị trực tiếp. Không có nhiều ngân sách cho quảng cáo online, anh Thức lựa chọn phương án in tờ rơi và thuê nhân công dán lên hàng loạt cột điện, trụ đèn giao thông trên các tuyến đường đông dân cư như Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Lê Văn Việt. Nội dung tờ rơi thể hiện các dịch vụ sửa máy lạnh, vệ sinh máy giặt, thay gas điều hòa giá rẻ, kèm theo số điện thoại cá nhân và cam kết "có mặt trong 15 phút, phục vụ 24/7".

Trong vòng hai ngày, các tuyến phố trung tâm bị bao phủ bởi hàng loạt tờ rơi in giấy màu sặc sỡ, dán chồng lên biển báo giao thông, cột đèn, thậm chí cả cây xanh dọc đường. Nhiều người dân phản ánh tình trạng mất mỹ quan đô thị và bất tiện khi các tờ rơi bị gió thổi bay xuống lòng đường gây cản trở giao thông. Sự việc đến tai cơ quan chức năng quận Thủ Đức khi một nhóm học sinh đi xe đạp bị té ngã vì vướng vào các tờ rơi rơi xuống mặt đường giữa trời mưa.

Sau khi kiểm tra hiện trường và truy dấu từ số điện thoại in trên tờ rơi, UBND phường Linh Chiểu đã mời anh Nguyễn Văn Thức lên làm việc. Qua xác minh, hành vi của anh Thức được xác định là dán, treo sản phẩm quảng cáo tại vị trí bị cấm theo quy định tại khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, anh Thức bị xử phạt hành chính với mức tiền 2.000.000 đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ toàn bộ nội dung quảng cáo sai phạm, khắc phục hậu quả trong vòng 48 giờ.

(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính chất tham khảo)

2. Hành vi dán quảng cáo lên cột điện bị xử phạt hành chính như thế nào? 

Trả lời vắn tắt: Người thực hiện hành vi dán, treo quảng cáo lên cột điện sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, đồng thời bị buộc tháo gỡ, xóa bỏ toàn bộ quảng cáo vi phạm.

Hành vi dán quảng cáo lên cột điện bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:

Nghị định 38/2021/NĐ-CP

Điều 34. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

...

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

...

Theo điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

...

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...

    d) Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 8 Điều này;

...

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

    b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;

...

8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

    b) Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

...

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi dán, treo quảng cáo sai quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt áp dụng tùy vào tính chất, mức độ vi phạm và phạm vi ảnh hưởng thực tế. Ngoài ra, trường hợp vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm buộc tháo gỡ, xóa bỏ toàn bộ nội dung quảng cáo sai phạm theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 34 cùng Nghị định.

Lưu ý: Trường hợp hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ thì có thể bị xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP tùy theo tính chất cụ thể. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp quảng cáo trái phép trên cột điện ở khu dân cư hoặc khu thương mại, Nghị định 38/2021/NĐ-CP là căn cứ pháp lý chính để xử lý.

Ví dụ thực tế

Sáng 23/9, Công an quận 5 đưa N.Q.A. (32 tuổi, kinh doanh nhà trọ trên đường Phan Văn Trị, quận 5) đi cạo bỏ quảng cáo cho thuê phòng dán trái phép trên cột đèn, trụ điện tại một số tuyến đường địa bàn quận.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công an phường 7, quận 5 cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ công an đã tìm ra A. là người vi phạm và mời người này về xử lý. Công an cung cấp thông tin: Nhân dịp đầu năm học mới sinh viên nhập học, chủ trọ N.Q.A. thường tranh thủ khung giờ sáng sớm để dán quảng cáo ghi số điện thoại liên hệ thuê trọ xung quanh các trường đại học, trụ điện, tủ điện ngã tư đường… cho tiện và không mất tiền dịch vụ quảng cáo.

N.Q.A. bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật; mỗi ngày phải đi khắc phục hậu quả; đồng thời cam kết không tái phạm.

(Nguồn: Báo Dân trí

Kết luận

Hành vi dán quảng cáo lên cột điện là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, gây mất mỹ quan đô thị và tìm ẩn nhiều rủi ro an toàn. Người vi phạm không chỉ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, mà còn buộc phải tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo sai phạm để khắc phục hậu quả.

Nghi Doanh
Biên tập

Mình là Lưu Trần Nghi Doanh, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Mình tin rằng khi nắm được các kiến thức về pháp luật sẽ giúp cho bản thân tiếp thu dễ dàng hơn các kiến...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Mức đánh giá của bạn:
Tên (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Nội dung đánh giá