Hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, việc hiểu rõ khái niệm năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và quyền nhân thân của mỗi người là điều hết sức quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quát về các quy định liên quan theo Bộ luật Dân sự 2015, giải đáp ngắn gọn từng trường hợp cụ thể, đồng thời đưa ra ví dụ thực tiễn giúp hiểu rõ hơn về những khái niệm đó.
1. Quy định về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của cá nhân
1.1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Theo Chương III Cá nhân, Mục 1, Điều 16 , Điều 17 và Điều 18 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về năng lực pháp luật dân sự như sau:
Điều 16. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Điều 17. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.
2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.
3. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
Điều 18. Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là
- Khả năng có quyền và nghĩa vụ dân sự của cá nhân
- Có từ khi sinh ra cho đến khi chết.
- Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
Nội dung năng lực pháp luật dân sự:
- Quyền nhân thân: Không gắn liền với tài sản.
- Quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản.
- Quyền tham gia quan hệ dân sự: và có nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ đó.
Trừ những trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân sẽ không bị hạn chế.
Ví dụ:
Về Quyền sở hữu tài sản: Một người có thể sở hữu tài sản, ví dụ như một căn nhà, một mảnh đất, hoặc một chiếc xe.Năng lực pháp luật dân sự cho phép người đó có quyền chiếm hữu, sử dụng, và định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật. Ví dụ, anh A mua một căn hộ chung cư, như vậy anh A đã thực hiện quyền về năng lực pháp luật dân sự của mình.
1.2. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Theo Chương III Cá nhân, Mục 1, Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về năng lực hành vi dân sự như sau:
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Vậy, năng lực hành vi dân sựu của cá nhân là khả năng tự mình xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự thông qua hành vi của mình.
Các nhóm đối tượng có năng lực hành vi dân sự được chia như sau:
a. Người thành niên
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Theo điều 20, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về người thành niên như sau:
Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.
Vậy, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, 23 và 24 của Bộ luật Dân sự 2015.
Tình huống giả định:
Tình Huống: Nguyễn Văn An, 20 tuổi, là sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện sống tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. An không có tiền sử bệnh tâm thần hay bất kỳ quyết định nào từ tòa án tuyên bố anh bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Gần đây, An nhận được khoản tiền thừa kế 2,5 tỷ đồng từ ông nội và quyết định dùng số tiền này để mua một căn hộ chung cư. An tìm hiểu và quyết định mua một căn hộ 2 phòng ngủ trị giá 2,3 tỷ đồng tại dự án Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư. Ngày 15/3/2025, An đến Văn phòng Công chứng Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng) để ký hợp đồng mua bán với đại diện Công ty Vinhomes. Anh thanh toán toàn bộ số tiền bằng chuyển khoản từ tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Techcombank và hoàn tất thủ tục công chứng mà không thông báo hay xin ý kiến cha mẹ.
Hai tuần sau, cha mẹ của An – ông Nguyễn Văn Hùng và bà Lê Thị Mai – phát hiện ra giao dịch này. Họ cho rằng An còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm để tự quyết định mua nhà, và liên hệ Công ty Vinhomes để yêu cầu hủy hợp đồng, viện lý do An cần sự đồng ý của họ vì anh vẫn là sinh viên, đang sống chung với gia đình. Công ty Vinhomes từ chối với lý do hợp đồng đã được ký kết hợp pháp, có công chứng đầy đủ. Ông Hùng và bà Mai quyết định khởi kiện lên tòa án để đòi hủy giao dịch.
- Tòa án kết luận: Nguyễn Văn An, 20 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015. Anh có quyền tự mình ký kết hợp đồng mua bán nhà với Công ty Vinhomes mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Yêu cầu hủy hợp đồng của ông Hùng và bà Mai bị bác bỏ vì không có căn cứ pháp lý. An chính thức trở thành chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ tại Vinhomes Ocean Park.
( Tình huống trên chỉ là tình huống giả định, chỉ mang tính chất tham khảo)
b. Người chưa thành niên
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Theo điều 21, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về người chưa thành niên như sau:
Điều 21. Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Vậy, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.
Quy định về giao dịch dân sự của người chưa thành niên ở 3 giai đoạn tuổi như sau:
- Đối với người dưới 6 tuổi: Giao dịch dân sự do người đại diện pháp luật thực hiện.
- Từ 6 đến dưới 15 tuổi: Giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện, ngoại trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
- Từ 15 đến dưới 18 tuổi: Có thể tự mình thực hiện giao dịch dân sự, trừ các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký theo quy định hoặc các giao dịch khác theo luật yêu cầu phải có sự đồng ý của người đại diện.
Ví dụ:
Một học sinh 16 tuổi muốn mua một số vật dụng học tập có thể tự mình thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa nhỏ lẻ, nhưng nếu giao dịch liên quan đến bất động sản thì phải có sự đồng ý của cha mẹ.
c. Mất năng lực hành vi dân sự
Theo điều 22, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Khi người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi, theo yêu cầu của người có quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự dựa trên kết luận giám định pháp y tâm thần.
Tòa án sẽ ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
Giao dịch dân sự của người mất năng lực phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Ví dụ thực tế:
Về việc yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Quyết định số 194/2025//QĐST-VDS ngày 27/02/2025 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt nội dung:
- Ông Ngô Thái S yêu cầu Tòa án tuyên bố con gái là chị Ngô Thị Hải Y mất năng lực hành vi dân sự vì chị Y bị bệnh về thần kinh từ nhỏ, không tự phục vụ được bản thân và không nhận thức được.
- Bà Nguyễn Thị L (mẹ của chị Y) xác nhận thông tin này và đồng ý với yêu cầu của ông S.
- Tòa án đã xem xét các chứng cứ, bao gồm Giấy xác nhận khuyết tật và Kết luận giám định pháp y tâm thần, xác định chị Ngô Thị Hải Y mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Quyết định của Tòa án:
- Tòa án chấp nhận yêu cầu của ông Ngô Thái S và tuyên bố chị Ngô Thị Hải Y mất năng lực hành vi dân sự.
- Ông Ngô Thái S được miễn nộp án phí do là người cao tuổi và có đơn xin miễn nộp.
Nguồn: Tòa án Nhân dân Tối cao
d. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Theo điều 23, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:
Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Người thành niên có tình trạng khó khăn trong nhận thức nhưng chưa đến mức mất năng lực sẽ được Tòa án tuyên bố “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” và chỉ định người giám hộ, xác định quyền và nghĩa vụ của người giám hộ.
- Khi không còn căn cứ tuyên bố này, Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ.
Ví dụ thực tế:
Về việc: Yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Quyết định số: 01/2025/QĐST-VDS ngày 21/01/2025 của Tòa án nhân dân huyện D K, tỉnh Khánh Hòa
Tóm tắt nội dung:
- Bà Phạm Thị G yêu cầu Tòa án tuyên bố con trai là ông Nguyễn Ngọc T là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do ông T bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2014.
- Tòa án đã xem xét các chứng cứ, bao gồm Kết luận giám định pháp y tâm thần, xác định ông Nguyễn Ngọc T có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi.
Quyết định của Tòa án:
- Tòa án chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị G và tuyên bố ông Nguyễn Ngọc T là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Tòa án chỉ định bà Phạm Thị G là người giám hộ cho ông Nguyễn Ngọc T.
- Bà Phạm Thị G được miễn nộp lệ phí do là người cao tuổi.
Nguồn: Tòa án Nhân dân tối cao
e. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Theo điều 23, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:
Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Quy định:
- Người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác, dẫn đến phá hủy tài sản gia đình, có thể bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Giao dịch liên quan đến tài sản của người bị hạn chế phải có sự đồng ý của người đại diện pháp luật, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc theo quy định của pháp luật.
- Khi không còn căn cứ, Tòa án có thể hủy bỏ quyết định này.
Tình huống giả định :
Lê Văn Hùng, 28 tuổi, sống cùng gia đình tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hùng nghiện ma túy đá (methamphetamine) từ năm 2022 sau khi bị bạn bè lôi kéo. Anh không có việc làm ổn định, thường xuyên lấy trộm tài sản của gia đình để bán lấy tiền mua ma túy. Gia đình Hùng gồm cha là ông Lê Văn Thành, mẹ là bà Nguyễn Thị Lan, và em gái là Lê Thị Ngọc Ánh.
Tình Huống:
Trong 6 tháng qua (từ tháng 9/2024 đến tháng 3/2025), Hùng đã nhiều lần bán tài sản gia đình mà không được phép:
- Tháng 10/2024: Hùng lấy chiếc xe máy Honda SH trị giá 120 triệu đồng của ông Thành, bán cho cửa hàng cầm đồ Minh Phát (quận Nam Từ Liêm) với giá 50 triệu đồng để mua ma túy.
- Tháng 12/2024: Hùng bán tủ lạnh Samsung trị giá 15 triệu đồng của gia đình cho một người mua ve chai với giá 2 triệu đồng.
- Tháng 2/2025: Hùng tự ý ký giấy tờ bán căn nhà phụ 50m² (trị giá 1,5 tỷ đồng, đứng tên chung của gia đình) cho ông Trần Văn Dũng – một người mua nhà tại địa phương – với giá 800 triệu đồng, sau đó dùng toàn bộ số tiền để mua ma túy qua một nhóm buôn bán bất hợp pháp.
Gia đình phát hiện hành vi của Hùng sau vụ bán căn nhà phụ. Ông Thành và bà Lan quyết định yêu cầu can thiệp pháp lý để bảo vệ tài sản còn lại và ngăn Hùng tiếp tục gây thiệt hại.
Quá Trình Xử Lý
- Người khởi kiện: Ông Lê Văn Thành (cha của Hùng), với tư cách là người có quyền và lợi ích liên quan.
- Cơ quan xử lý: Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (nơi Hùng cư trú).
- Yêu cầu: Ông Thành nộp đơn lên Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm vào ngày 10/3/2025, đề nghị tuyên bố Lê Văn Hùng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015, đồng thời chỉ định ông Thành làm người đại diện theo pháp luật để quản lý tài sản của Hùng.
- Bằng chứng:
1. Giấy chứng nhận điều trị nghiện ma túy của Hùng tại Trung tâm Cai nghiện bắt buộc số 2 Hà Nội (năm 2023), cho thấy anh tái nghiện sau khi hoàn thành chương trình.
2. Biên bản công an phường Trung Văn xác nhận Hùng bị bắt quả tang sử dụng ma túy đá vào tháng 1/2025.
3. Hóa đơn bán xe máy, tủ lạnh và hợp đồng mua bán căn nhà phụ (dù không hợp lệ vì thiếu chữ ký của các đồng sở hữu).
4. Lời khai của bà Lan và em gái Ánh về việc Hùng thường xuyên lấy trộm tài sản gia đình.
- Phản Biện Từ Hùng: Hùng thừa nhận nghiện ma túy nhưng cho rằng anh vẫn đủ khả năng tự quyết định hành vi của mình và không cần ai giám sát. Anh yêu cầu Tòa án bác đơn của cha.
Phán Quyết Từ Tòa Án
Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm xem xét:
- Hùng nghiện ma túy nặng, có bằng chứng từ cơ sở cai nghiện và công an, phù hợp với tiêu chí tại Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015.
- Hành vi bán tài sản gia đình (xe máy, tủ lạnh, căn nhà phụ) gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản chung, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của ông Thành, bà Lan và em gái Ánh.
- Hùng không chứng minh được khả năng kiểm soát hành vi của mình, đặc biệt khi anh tái nghiện và liên tục vi phạm pháp luật.
Ngày 25/3/2025, Tòa án phán quyết:
- Tuyên bố Lê Văn Hùng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015.
- Chỉ định ông Lê Văn Thành làm người đại diện theo pháp luật của Hùng. Từ nay, mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của Hùng (bao gồm tiền bạc, bất động sản) phải có sự đồng ý của ông Thành.
- Hợp đồng bán căn nhà phụ cho ông Trần Văn Dũng bị tuyên vô hiệu do Hùng không có quyền tự quyết định (theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015), và ông Dũng phải hoàn trả căn nhà cho gia đình, trong khi gia đình hoàn lại 800 triệu đồng cho ông Dũng.
(Tình huống trên chỉ là tình huống giả định, mang tính chất tham khảo)
2. Quyền nhân thân của cá nhân
Nguồn: Hình ảnh từ Internet
Quyền nhân thân của cá nhân được quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 25. Quyền nhân thân
1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Quy định:
- Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác (trừ trường hợp luật khác có quy định khác).
- Việc xác lập và thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của các đối tượng đặc biệt như người chưa thành niên, người mất năng lực hoặc người có khó khăn trong nhận thức cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật hoặc theo quyết định của Tòa án.
Tình huống giả định:
Bối Cảnh
Trần Bảo Nam sinh ngày 5/2/2025 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Mẹ là chị Trần Thị Lan, 22 tuổi, không kết hôn với cha của bé và không biết cha là ai. Chị Lan không đăng ký khai sinh cho Nam vì ngại thủ tục.
Tình Huống
Ngày 25/3/2025, chị Lan đến UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) để đăng ký khai sinh cho Nam, nhưng cán bộ tư pháp – bà Nguyễn Thị Mai – từ chối vì thiếu thông tin cha. Chị Lan nhờ Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em quận Hoàn Kiếm can thiệp.
Xử Lý
- Cơ quan xử lý: Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm.
- Chị Lan kiện UBND phường Hàng Bông, yêu cầu cấp giấy khai sinh cho Nam dựa trên Điều 13 Luật Hộ tịch 2014.
- Bằng chứng: Giấy chứng sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
- Tòa án xác định: Nam có quyền được khai sinh, không cần thông tin cha.
Phán Quyết
Ngày 30/3/2025, Tòa án buộc UBND phường Hàng Bông cấp giấy khai sinh cho Trần Bảo Nam, ghi mẹ là Trần Thị Lan, phần cha để trống.
3. Kết luận
Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự là yếu tố quan trọng để cá nhân tham gia vào các giao dịch dân sự. Hiểu rõ và tuân thủ quy định pháp luật sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân, đảm bảo công bằng và trật tự trong xã hội.