Chủ xe có bị xử lý khi người mượn xe gây tai nạn không?

Chủ xe có bị xử lý khi người mượn xe gây tai nạn không?

Nếu giao xe cho người khác mà người đó gây tai nạn thì chủ xe vẫn có thể phải liên đới bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hính sự.

Việc cho bạn bè, người thân hay đồng nghiệp mượn xe là chuyện phổ biến, thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu người mượn xe gây tai nạn nghiêm trọng, không chỉ họ mà cả chủ xe cũng có thể bị liên đới trách nhiệm, trường hợp nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  

1. Chủ xe có phải liên đới bồi thường thiệt hại không? 

Trả lời vắn tắt: Có! Chủ xe có thể phải liên đới bồi thường nếu giao xe của mình cho người khác điều khiển. 

Nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ


Theo quy định của Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015:

Bộ luật Dân sự 2015

Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

...

Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, phương tiện giao thông cơ giới như ô tô, xe máy... được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Đây là những loại tài sản có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và tài sản khác khi vận hành, do bản chất của chúng có yếu tố rủi ro cao – chẳng hạn như tốc độ lớn, động cơ mạnh, tính sát thương cao nếu xảy ra va chạm. Chính vì vậy, pháp luật áp dụng một cơ chế trách nhiệm đặc biệt đối với việc sử dụng và quản lý các loại tài sản này.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng: chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quyền sử dụng, điều khiển hoặc chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu phương tiện đó gây ra hậu quả về người hoặc tài sản cho người khác. Nếu xảy ra tai nạn, không cần chứng minh yếu tố lỗi, chỉ cần có hành vi gây thiệt hại do phương tiện gây ra và có mối quan hệ sở hữu, sử dụng, điều khiển hợp pháp thì chủ thể đó đã phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Quy định này có mục đích đảm bảo quyền lợi nhanh chóng cho người bị thiệt hại, đồng thời nâng cao ý thức quản lý và sử dụng phương tiện giao thông một cách an toàn. Bởi trong thực tế, việc xác định lỗi trong các vụ tai nạn có thể rất phức tạp, kéo dài, gây khó khăn cho việc bồi thường cho nạn nhân. Việc quy định trách nhiệm mang tính nghiêm ngặt đối với chủ sở hữu giúp ngăn ngừa rủi ro xảy ra tai nạn, đồng thời tạo điều kiện cho việc bồi thường được thực hiện sớm, kịp thời.

Tình huống giả định

Anh Nguyễn Hoàng Duy, 35 tuổi, là nhân viên văn phòng tại TP. Biên Hòa, sở hữu một chiếc xe máy tay ga đời mới. Trong một buổi họp mặt bạn bè cũ, anh Trần Văn Kiệt, bạn học đại học của Duy, than thở vì xe mình đang hỏng mà sáng hôm sau cần phải đi phỏng vấn xin việc. Tin tưởng bạn, anh Duy không ngần ngại giao chìa khóa xe cho Kiệt mượn qua đêm, dù biết rõ rằng Kiệt đã từng bị tạm giữ bằng lái vì vi phạm nồng độ cồn cách đây 3 tháng và hiện vẫn chưa được cấp lại giấy phép lái xe.

Sáng hôm sau, trên đường di chuyển, anh Kiệt điều khiển xe với tốc độ cao, không làm chủ tay lái và va chạm mạnh với một người phụ nữ đi xe đạp là bà Trịnh Thị Lệ, 62 tuổi, khiến bà bị gãy xương đùi và tổn hại sức khỏe nghiêm trọng (giám định thương tật 45%). Sau va chạm, anh Kiệt bỏ xe lại rồi gọi điện nhờ anh Duy “giải quyết giùm” vì lo sợ phải đối diện với pháp luật.

Vụ việc nhanh chóng được Công an thành phố vào cuộc xử lý. Trong quá trình xác minh, bà Lệ và gia đình yêu cầu cả người gây tai nạn lẫn chủ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, tổn thất tinh thần và thu nhập bị mất. Tại buổi làm việc, anh Duy cho rằng mình không trực tiếp điều khiển xe, và vụ việc là do lỗi cá nhân của Kiệt nên anh từ chối trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định rằng: anh Duy đã giao xe cho người không có giấy phép lái xe hợp lệ, và biết rõ điều này tại thời điểm giao xe. Do đó, anh Duy đã có lỗi trong việc sử dụng, quản lý và giao phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ cho người không đủ điều kiện điều khiển. Căn cứ vào Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, cả anh Kiệt (người điều khiển xe) và anh Duy (chủ sở hữu) đều phải liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Lệ.

Tòa án sau đó tuyên buộc anh Kiệt chịu 70% trách nhiệm, do là người trực tiếp gây tai nạn, và anh Duy phải liên đới bồi thường 30%, tương ứng với mức độ lỗi trong việc giao xe. Tổng số tiền bồi thường được xác định là gần 90 triệu đồng, bao gồm chi phí điều trị, tổn thất tinh thần và chi phí đi lại.

(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính tham khảo) 

2. Chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời vắn tắt: Có! Chủ phương tiện vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015. 

Trường hợp nào chủ xe được miễn trách nhiệm bồi thường?


Theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): 

Bộ luật Hình sự 2015 

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 264, người chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu giao xe cho người không có giấy phép lái xe, hoặc người đang trong tình trạng sử dụng rượu bia vượt quá mức cho phép, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh, hoặc không đủ điều kiện khác theo quy định của pháp luật, và hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Về mặt hình sự, điều luật chia hành vi phạm tội thành nhiều cấp độ tương ứng với mức độ hậu quả để áp dụng hình phạt phù hợp:

  • Trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện mà gây hậu quả làm chết 1 người, hoặc gây thương tích nặng cho 1 người (từ 61% trở lên), hoặc gây thương tích trung bình cho nhiều người, hoặc thiệt hại tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, thì người giao xe có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
  • Nếu hậu quả nghiêm trọng hơn, như làm chết 2 người, gây thương tích nặng cho nhiều người hoặc thiệt hại tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, thì mức hình phạt được nâng lên thành phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
  • Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, như làm chết từ 3 người trở lên, gây thương tích rất nặng hoặc thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, người giao xe có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
  • Ngoài ra, nếu hậu quả ở mức nhẹ hơn – ví dụ gây thương tích từ 31% đến dưới 61% cho 1 người, hoặc tổng thương tích từ 31% đến 60% cho nhiều người – thì người giao xe vẫn có thể bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
  • Bên cạnh các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 10 triệu đến 30 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả cụ thể.

Tình huống thực tế 

Vụ việc xảy ra tại tỉnh Hà Nam, khi Trần Văn Dũng (20 tuổi, trú tại huyện Bình Lục) bị khởi tố vì hành vi giao xe máy cho bạn nhậu không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, dẫn đến hậu quả tai nạn chết người.

Tối ngày 23 tháng 12 năm 2023, Trần Văn Dũng cùng với N.N.H. (sinh năm 2007) và bốn người khác uống rượu tại một đám cưới ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Sau khi uống rượu, H. đã mượn chiếc xe máy không gắn biển số của Dũng để đi đón bạn.

Trên đường đi, H. điều khiển xe không đúng phần đường quy định, dẫn đến việc tự đâm vào gốc cây bên đường và tử vong tại chỗ. Kết quả giám định cho thấy nồng độ cồn trong máu của H. tại thời điểm xảy ra tai nạn là 92,04 mg/100 ml.

Trần Văn Dũng khai với cơ quan điều tra rằng anh biết rõ H. đã uống rượu và không có giấy phép lái xe, nhưng vẫn đồng ý cho H. mượn xe. Căn cứ vào lời khai và chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố Trần Văn Dũng theo khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ", đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. 

(Nguồn: Tuổi trẻ Online)

KẾT LUẬN

Khi cho người khác mượn xe mà người đó gây tai nạn thì chủ xe cũng có thể bị xử lý, cả về hành chính lẫn hình sự. Trước hết, chủ xe có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, nhất là khi giao xe cho người không có bằng lái, say xỉn hoặc không đủ điều kiện điều khiển. Ngoài việc bồi thường, chủ xe còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự. 

Nghi Doanh
Biên tập

Mình là Lưu Trần Nghi Doanh, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Mình tin rằng khi nắm được các kiến thức về pháp luật sẽ giúp cho bản thân tiếp thu dễ dàng hơn các kiến...

0 Rate
1
0 Rate
2
0 Rate
3
0 Rate
4
0 Rate
5
0 Rate
Mức đánh giá của bạn:
Tên (*)
Số điện thoại (*)
Email (*)
Nội dung đánh giá