Sữa là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ và người bệnh. Vì vậy, hành vi buôn bán sữa giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng cho cộng đồng. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hành vi buôn bán sữa giả? Mức phạt cụ thể ra sao, và có thể bị truy cứu hình sự đến mức nào?
1. Mức phạt đối với hành vi buôn bán sữa giả là bao nhiêu?
Hành vi buôn bán sữa giả, được xem là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:
Điều 9. Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;
c) Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Sữa là mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm nên nếu bị làm giả, mức phạt sẽ gấp đôi so với hàng hóa thông thường. Như vậy, cá nhân buôn bán sữa giả có thể bị phạt tới 140 triệu đồng, kèm theo các biện pháp bổ sung như tịch thu hàng, tiêu hủy, cấm kinh doanh hoặc rút giấy phép hành nghề.
Ví dụ thực tế:
Triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả gần 600 chủng loại, doanh thu gần 500 tỷ đồng
Ngày 12/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đường dây này do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cầm đầu, thông qua hai công ty là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Từ năm 2021, nhóm này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả, chủ yếu nhắm vào đối tượng người bệnh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Các sản phẩm được quảng cáo chứa thành phần quý như tổ yến, đông trùng hạ thảo, nhưng thực tế không có những chất này. Giám định cho thấy nhiều sản phẩm chỉ đạt dưới 70% chất lượng công bố, đủ điều kiện xác định là hàng giả. Trong 4 năm hoạt động, nhóm này đã tiêu thụ sữa giả với doanh thu gần 500 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 8 đối tượng liên quan và tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Nguồn:Báo Nhân Dân điện tử
2. Buôn bán sữa giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Ngoài việc bị phạt tiền, hành vi buôn bán sữa giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm:
Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Nếu hành vi buôn bán sữa giả gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây tổn hại sức khỏe, hoặc thu lợi bất chính lớn, người phạm tội có thể bị truy tố theo tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, với mức án cao nhất là tù chung thân. Do đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng nên bị xử lý rất nghiêm.
Tình huống giả định:
Giám đốc công ty dinh dưỡng bị truy tố vì buôn bán sữa giả gây hại cho trẻ nhỏ
Tháng 4/2025, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án liên quan đến ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Dinh dưỡng Mặt Trời Xanh, trụ sở tại quận Bắc Từ Liêm. Theo cáo trạng, từ năm 2022 đến đầu năm 2024, công ty này đã sản xuất và phân phối ra thị trường hơn 230.000 hộp sữa bột giả dưới nhãn hiệu tự đặt tên như “Gold Baby”, “VitaKid Plus”, nhắm vào đối tượng là trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ sau sinh.
Qua giám định, các sản phẩm này chỉ chứa thành phần sữa rẻ tiền, không có đủ chất dinh dưỡng như công bố, nhiều mẫu còn chứa hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép. Đặc biệt, ba trẻ nhỏ tại huyện Đan Phượng bị suy dinh dưỡng nặng do sử dụng sản phẩm “Gold Baby” trong nhiều tháng. Kết luận giám định cho thấy mức tổn thương sức khỏe của mỗi cháu đều từ 35–40%.
Tổng doanh thu từ việc bán sữa giả ước tính lên đến gần 38 tỷ đồng, trong đó ông Kiên thu lợi bất chính khoảng 3,4 tỷ đồng. Cơ quan công an xác định hành vi của bị cáo phạm vào khoản 3 Điều 193 Bộ luật Hình sự – sản xuất, buôn bán thực phẩm giả gây tổn hại sức khỏe và thu lợi bất chính lớn.
Tại phiên tòa, sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ và lời khai của các bên, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Văn Kiên 13 năm tù, đồng thời phạt bổ sung 100 triệu đồng, cấm điều hành doanh nghiệp trong 5 năm và buộc bồi thường toàn bộ chi phí điều trị cho các gia đình có con bị ảnh hưởng.
(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính tham khảo)
3. Khi nào được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Tình huống giả định:
Người phụ nữ buôn bán sữa giả được giảm nhẹ hình phạt vì tự thú và bồi thường thiệt hại
Tháng 6/2025, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc (42 tuổi), chủ cửa hàng thực phẩm “Mẹ Nhím”, về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng, từ đầu năm 2024, bà Cúc đã nhập hơn 3.000 hộp sữa bột không rõ nguồn gốc từ một đầu mối trên mạng xã hội, sau đó tự in tem mác giả các thương hiệu nổi tiếng và phân phối qua kênh bán hàng online với giá ưu đãi, thu lời hơn 250 triệu đồng.
Sau khi thấy có khách hàng phản ánh con nhỏ bị tiêu chảy, nghi ngờ chất lượng sản phẩm, bà Cúc đã chủ động ngưng bán, liên hệ người mua để xin lỗi và đề nghị hoàn tiền. Đồng thời, bà đến công an phường tự thú, giao nộp toàn bộ lô hàng còn lại và khai rõ nguồn gốc nhập hàng. Kết quả giám định cho thấy đây là sữa kém chất lượng, không đảm bảo thành phần dinh dưỡng theo công bố, đủ yếu tố cấu thành hàng giả.
Tại phiên tòa, luật sư và đại diện Viện kiểm sát đều xác nhận bà Cúc có nhiều tình tiết giảm nhẹ: phạm tội lần đầu, tự thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường hơn 120 triệu đồng cho các hộ bị ảnh hưởng, đồng thời là phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, kinh doanh trong hoàn cảnh khó khăn hậu COVID-19.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, HĐXX tuyên phạt bà Nguyễn Thị Kim Cúc 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo trong 5 năm, cấm kinh doanh thực phẩm 3 năm và yêu cầu tiếp tục khắc phục hậu quả cho các bên bị ảnh hưởng.
(Tình huống trên đây là tình huống không có thật, chỉ mang tính tham khảo)
4. Kết luận
Buôn bán sữa giả không chỉ là hành vi lừa dối người tiêu dùng mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là tù chung thân.