Khi doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong khu vực ASEAN, việc chứng minh xuất xứ hàng hóa theo quy định của ATIGA là điều bắt buộc. Một số phương pháp phổ biến để xác định xuất xứ là hàm lượng giá trị khu vực (RVC) và chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), mỗi cách có điều kiện áp dụng riêng. Đặc biệt, phương pháp CTC đòi hỏi hàng hóa phải thay đổi mã số HS ở cấp độ nhất định sau quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, ngay cả khi không đạt tiêu chí CTC, hàng hóa vẫn có thể được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng điều kiện ngoại lệ tại khoản 1 Điều 33 ATIGA.
1. Điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan theo ATIGA là gì?
Điều 26 và khoản 1 Điều 28 Hiệp định ATIGA quy định như sau:
Hiệp định ATIGA
Article 26. Origin Criteria
For the purposes of this Agreement, a good imported into the territory of a Member State from another Member State shall be treated as an originating good if it conforms to the origin requirements under any one of the following conditions:
(a) a good which is wholly obtained or produced in the exporting Member State as set out and defined in Article 27; or
(b) a good not wholly obtained or produced in the exporting Member State, provided that the said goods are eligible under Article 28 or Article 30.Article 28 Not Wholly Obtained or Produced Goods
1. (a) For the purposes of Article 26(b), goods shall be deemed to be originating in the Member State where working or processing of the goods has taken place:
(i) if the goods have a regional value content (hereinafter referred to as “ASEAN Value Content” or the “Regional Value Content (RVC)”) of not less than forty percent (40%) calculated using the formula set out in Article 29; or
(ii) if all non-originating materials used in the production of the goods have undergone a change in tariff classification (hereinafter referred to as “CTC”) at four-digit level (i.e. a change in tariff heading) of the Harmonized System.
Bản dịch
Điều 26. Tiêu chí xuất xứ
Vì mục đích của Hiệp định này, một hàng hoá được nhập khẩu vào lãnh thổ của một Quốc gia Thành viên từ Quốc gia Thành viên khác phải được đối xử như một hàng hoá có xuất xứ nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây:
(a) hàng hoá có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Quốc gia Thành viên xuất khẩu như trình bày và định nghĩa trong Điều 27 (Hàng hoá có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ); hay
(b) hàng hoá có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ tại Quốc gia Thành viên xuất khẩu, với điều kiện hàng hoá này phù hợp với Điều 28 (Hàng hoá có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ) hoặc Điều 30 (xuất xứ cộng gộp).
Điều 28. Hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ
1. (a) Vì mục đích của Điều 26(b), hàng hoá được coi là có xuất xứ tại Quốc gia Thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến hàng hoá đó:
(i) nếu hàng hoá có hàm lượng giá trị khu vực (sau đây được gọi là “Hàm lượng giá trị ASEAN” hoặc “Hàm lượng giá trị khu vực (RVC)”) không dưới bốn mươi phần trăm (40%) tính theo công thức nêu tại Điều 29; hoặc
(ii) nếu tất cả các nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó đã trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hoá (được nêu ở dưới đây là “CTC”) ở cấp bốn số của Hệ thống hài hoà.
(b) Mỗi Quốc gia Thành viên phải cho phép nhà nhập khẩu hàng hoá được quyết định sử dụng khoản 1(a)(i) hoặc 1(a)(ii) của Điều này khi quyết định liệu hàng hoá có đủ tiêu chuẩn là hàng hóa có xuất xứ của Quốc gia Thành viên đó hay không.
Trong ATIGA, một hàng hóa muốn được công nhận là có xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan thì thường phải đạt một trong hai tiêu chí chính: chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) hoặc hàm lượng giá trị khu vực (RVC). Với phương pháp CTC, hàng hóa phải được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ nhưng trải qua quá trình làm thay đổi mã HS (ít nhất ở cấp 4 số) so với nguyên liệu ban đầu. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất, có những trường hợp một phần nhỏ nguyên liệu không đạt được yêu cầu này – tức là giữ nguyên mã HS như sản phẩm đầu ra, nên không đạt tiêu chí CTC.
Để xử lý những trường hợp như vậy, ATIGA có quy định ngoại lệ tại khoản 1 Điều 33, gọi là De Minimis. Theo đó, nếu phần nguyên liệu không có xuất xứ và không chuyển đổi mã HS như yêu cầu chỉ chiếm dưới 10% giá trị FOB của hàng hóa, thì toàn bộ hàng hóa vẫn có thể được coi là có xuất xứ ASEAN, miễn là đáp ứng các điều kiện khác của Hiệp định (như vận chuyển trực tiếp, giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D…).
De Minimis không yêu cầu nguyên liệu phải khác mã HS với sản phẩm. Ngược lại, nó cho phép một phần nguyên liệu trùng mã HS với sản phẩm cuối cùng (tức là không đạt CTC), nhưng nếu phần đó nhỏ hơn 10% FOB, thì vẫn được công nhận xuất xứ.
Tình huống giả định
Công ty TNHH Thịnh Vượng tại Việt Nam chuyên lắp ráp quạt điện để xuất khẩu sang Thái Lan. Trong quá trình sản xuất, họ nhập khẩu động cơ từ Trung Quốc, lưới quạt từ Hàn Quốc và chỉ sản xuất cánh quạt cùng phần vỏ nhựa tại Việt Nam. Khi xuất khẩu, công ty xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ form D theo ATIGA để được hưởng thuế nhập khẩu 0% tại Thái Lan.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan Thái Lan sau khi kiểm tra hồ sơ đã từ chối ưu đãi thuế quan, lý do là sản phẩm không đạt tiêu chí xuất xứ. Cụ thể:
-
Tỷ lệ hàm lượng giá trị khu vực (RVC) chỉ đạt 32% – thấp hơn mức tối thiểu 40% do chi phí động cơ chiếm quá lớn.
-
Ngoài ra, mã HS của quạt điện sau khi hoàn thiện vẫn giữ nguyên so với mã HS của động cơ – tức là không đạt điều kiện chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC).
Do không thỏa mãn cả hai tiêu chí chính (RVC và CTC), hàng hóa của công ty không đủ điều kiện được coi là "có xuất xứ ASEAN", dù phần gia công đã diễn ra tại Việt Nam. Kết quả là công ty phải nộp thuế nhập khẩu MFN như hàng hóa thông thường.
(Tình huống trên chỉ là giả định nhằm minh họa nội dung pháp lý)
2. Phương pháp chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) được hiểu như thế nào?
Khoản 1 điểm a(ii) Điều 28 Hiệp định ATIGA quy định:
Hiệp định ATIGA
Article 28 Not Wholly Obtained or Produced Goods
1. (a) For the purposes of Article 26(b), goods shall be deemed to be originating in the Member State where working or processing of the goods has taken place:
...
(ii) if all non-originating materials used in the production of the goods have undergone a change in tariff classification (hereinafter referred to as “CTC”) at four-digit level (i.e. a change in tariff heading) of the Harmonized System.
Bản dịch:
Điều 28. Hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ
1. (a) Vì mục đích của Điều 26(b), hàng hoá được coi là có xuất xứ tại Quốc gia Thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến hàng hoá đó:
...
(ii) nếu tất cả các nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó đã trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hoá (được nêu ở dưới đây là “CTC”) ở cấp bốn số của Hệ thống hài hoà.
Phương pháp CTC (Change in Tariff Classification) là một trong hai tiêu chí quan trọng được dùng để xác định xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA. Theo đó, nếu nguyên liệu không có xuất xứ ASEAN được sử dụng để sản xuất hàng hóa mà kết quả sản xuất tạo ra mã HS khác với mã HS của nguyên liệu đầu vào, thì sản phẩm có thể được coi là “có xuất xứ ASEAN”.
Cụ thể hơn, mã HS (Harmonized System) là hệ thống mã số hàng hóa gồm 6 chữ số đầu thống nhất toàn cầu, trong đó 4 chữ số đầu dùng để phân loại hàng hóa ở mức độ nhóm hàng. CTC yêu cầu có sự thay đổi mã HS ít nhất ở cấp 4 chữ số so với nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ. Đây là cách để chứng minh rằng hàng hóa đã được gia công, chế biến đáng kể trong ASEAN, chứ không chỉ là hoạt động gia công đơn giản như đóng gói, phân loại.
Ví dụ: Nguyên liệu là mô-tơ điện có mã HS là 8501.10. Sau quá trình sản xuất, thành phẩm là máy quạt điện để bàn có mã HS là 8414.51. Trong trường hợp này, mã HS đã thay đổi từ chương 85 sang chương 84, tức là có sự chuyển đổi rõ rệt ở cấp 4 số, đáp ứng điều kiện CTC.
CTC đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp không đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo RVC 40%, nhưng có quy trình sản xuất đủ sâu để thay đổi bản chất hàng hóa. Thế nhưng, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư đúng quy trình sản xuất và hiểu rõ phân loại HS – nếu sai mã số, rủi ro bị truy thu thuế là rất cao.
Tình huống giả định
Tháng 4/2025, Công ty TNHH Điện Cơ Nam Á, có trụ sở tại TP.HCM, nhập khẩu nguyên chiếc thân máy bơm nước từ Trung Quốc với mã HS 8413.20.11 – thuộc nhóm máy bơm ly tâm. Toàn bộ linh kiện và thiết bị đều được lắp ráp sẵn từ nước ngoài, công ty chỉ thực hiện đóng gói lại tại Việt Nam, dán nhãn thương hiệu và xuất khẩu sang Lào. Dù không có bất kỳ công đoạn sản xuất hay gia công nào phát sinh tại Việt Nam, công ty vẫn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) với lý do “hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam” và khai báo xuất xứ là “VN”.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục tại cửa khẩu, cơ quan hải quan phía Lào tiến hành rà soát và từ chối cấp ưu đãi thuế ATIGA với lý do: Hàng hóa không có bất kỳ thay đổi nào về mã HS so với khi nhập khẩu (vẫn là 8413.20.11); Không có hoạt động gia công, sản xuất, lắp ráp hoặc giá trị gia tăng tại Việt Nam; Không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc bất kỳ tiêu chí xuất xứ nào quy định trong ATIGA.
Kết quả, C/O mẫu D bị từ chối, và doanh nghiệp bị truy thu thuế nhập khẩu theo mức MFN
(Tình huống trên chỉ là giả định nhằm minh họa nội dung pháp lý)
3. Trường hợp hàng hóa không đạt tiêu chí chuyển đổi mã số nhưng vẫn được coi là có xuất xứ theo ATIGA?
Khoản 1 Điều 33 Hiệp định ATIGA quy định:
Hiệp định ATIGA
Article 33 De Minimis
1. A good that does not undergo a change in tariff classification shall be considered as originating if the value of all non-originating materials used in its production that do not undergo the required change in tariff classification does not exceed ten percent (10%) of the FOB value of the good and the good meets all other applicable criteria set forth in this Agreement for qualifying as an originating good....
Bản dịch
Điều 33. De Minimis
1. Hàng hoá không đạt tiêu chí xuất xứ về chuyển đổi mã số hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ nếu phần giá trị của nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó không có mã số hàng hoá giống với mã số hàng hoá của sản phẩm đó nhỏ hơn mười (10) phần trăm giá trị FOB của hàng hoá và hàng hoá phải đáp ứng tất cả các quy định khác được nêu trong Hiệp định này về tiêu chuẩn hàng hoá có xuất xứ.
...
Nguyên tắc cơ bản của CTC là yêu cầu hàng hóa phải có mã HS khác với nguyên liệu không có xuất xứ, tuy nhiên, trong thực tế sản xuất, có những trường hợp không thể đạt được điều này vì nguyên liệu đầu vào đã có tính chất gần giống với sản phẩm hoàn thiện. Nhằm tạo điều kiện linh hoạt, ATIGA quy định ngoại lệ De Minimis – cho phép một tỷ lệ nhỏ nguyên vật liệu không có xuất xứ không đạt CTC vẫn được chấp nhận.
Để hiểu được ngoại lệ De Minimis, cần phải xem xét:
- Trước hết, nếu tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ đều thay đổi mã số HS so với thành phẩm, thì đạt CTC, lúc này, không cần xét ngoại lệ.
- Sau đó, nếu một hoặc một số nguyên vật liệu không có xuất xứ, vẫn giữ nguyên mã số HS, tức là không đạt tiêu chí CTC, thì ta mới bắt đầu xét tới De Minimis. Nguyên vật liệu sẽ được áp dụng ngoại lệ De Minimis khi nguyên vật liệu này không cùng mã HS với sản phẩm cuối cùng và giá trị phần nguyên vật liệu này nhỏ hơn 10% giá trị FOB.
Tình huống giả định
Công ty Điện gia dụng Siam Electric tại Thái Lan dự kiến xuất khẩu sang Việt Nam một sản phẩm là quạt máy để bàn Siam Fan 01, dùng trong hộ gia đình. Toàn bộ sản phẩm được phân loại dưới mã số AHTN 8414.51.10 – mã dành cho quạt điện để bàn có công suất dưới 125W.
Quạt máy gồm các bộ phận chính sau:
- Động cơ điện (mã số AHTN: 8501.10.10) - Xuất xứ Thái Lan
- Cánh quạt bằng nhựa (mã số AHTN: 8411.90.10) - Xuất xứ Thái Lan
- Lồng bảo vệ bằng thép (mã số AHTN: 8413.90.90) - Xuất xứ Thái Lan
- Thân và đế quạt bằng nhựa đúc (mã số AHTN: 3926.90.99) - Xuất xứ Thái Lan
- Bảng mạch điều khiển tích hợp tốc độ và hẹn giờ (mã số AHTN: 8414.51.10) - Nhập khẩu từ Nhật Bản
Tổng giá FOB của một chiếc quạt khi xuất khẩu là 1.200.000 đồng. Trong các bộ phận kể trên, chỉ có bảng mạch điều khiển tích hợp là được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản và không được gia công thêm tại Thái Lan. Bộ phận này có mã HS trùng với mã thành phẩm là 8414.51.10, vì vậy không đạt tiêu chí chuyển đổi mã HS (CTC).
Tuy nhiên, giá trị của bảng mạch chỉ vào khoảng 85.000 đồng, tương đương 7,08% giá FOB của cả chiếc quạt. Do đó, mặc dù trong quạt máy Siam Fan 01 có một bộ phận không đạt tiêu chí CTC và có mã HS trùng với thành phẩm, nhưng do giá trị thấp hơn 10% giá FOB, nên toàn bộ sản phẩm vẫn được công nhận là có xuất xứ ASEAN theo ATIGA và đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Việt Nam.
(Tình huống trên chỉ là giả định nhằm minh họa nội dung pháp lý)
Kết luận
Việc xác định xuất xứ hàng hóa theo ATIGA là yếu tố bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong nội khối ASEAN. Với các phương pháp phổ biến như hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hoặc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), mỗi tiêu chí đều có yêu cầu riêng. Trường hợp hàng hóa không đạt CTC nhưng phần nguyên liệu không chuyển đổi chiếm dưới 10% giá FOB thì vẫn có thể được chấp nhận nhờ ngoại lệ De Minimis.