BỘ TÀI CHÍNH Số: 20 TT/LB |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Toàn quốc, ngày 28 tháng 7 năm 1983 |
---|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Quy định tạm thời việc xử lý các trường hợp ăn cắp điện
Trong thời gian qua, do mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung cấp điện và buông lỏng quản lý nên đã phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong phân phối và sử dụng, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Nhằm sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm, ưu tiên điện cho sản xuất và thoả mãn một phần nhu cầu chính đáng trong tiêu dùng, chống sử dụng điện bất hợp pháp, Liên Bộ Tài chính - Điện lực quy định tạm thời dưới đây về việc xử lý các trường hợp ăn cắp điện:
I. TRUY THU TIỀN ĐIỆN VÀ CÁC HÌNH THỨC PHẠT:
- Phạt do ăn cắp điện - ăn cắp điện là dùng điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt không có hợp đồng cung cấp và tiêu thụ điện hoặc có hợp đồng cung cấp và tiêu thụ điện nhưng lấy điện không qua đồng hồ đo đếm điện, dùng các thủ đoạn làm cho đồng hồ đo đếm điện không quay, quay chậm hoặc quay ngược lại.
Trường hợp hộ sử dụng điện dùng vượt quá hợp đồng cung cấp điện hằng năm do vượt định mức tiêu hao điện đã được quy định cho một đơn vị sản phẩm thì cơ quan quản lý điện có quyền cắt điện để giành điện năng cho các ngành khác.
Trường hợp đặc biệt không thể cắt điện được thì số điện năng tiêu hao vượt mức sẽ áp dụng chế độ phạt luỹ tiến quy định trong thông tư Liên Bộ Tài chính - Điện Than số 08 - TT/LB ngày 22/5/1979.
-
Đối tượng phạt: Quy định này áp dụng để xử lý các trường hợp ăn cắp điện dưới mọi hình thức, không phân biệt cơ quan, đoàn thể, trường học, bệnh viện, xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, tổ hợp, hợp tác xã, đơn vị quân đội, công an (gọi tắt là lực lượng vũ trang), các cá nhân v.v...
-
Mức phạt và các căn cứ để xác định phạt:
Các hộ ăn cắp điện phải truy nộp số tiền điện đối với sản lượng điện đã ăn cắp, đồng thời phải chịu các hình thức xử phạt sau đây:
a) Truy nộp tiền điện:
-
Trường hợp ăn cắp điện dùng vào sản xuất thì sản lượng điện dùng để tính mức phải truy nộp được xác định trên cơ sở công suất thiết kế các máy móc, thiết bị, dụng cụ ăn cắp điện nhân (x) với16 giờ/ngày và nhân (x) với thời gian ăn cắp điện (số ngày ăn cắp điện)
-
Trường hợp ăn cắp điện dùng vào sinh hoạt thì sản lượng điện dùng để tính mức phải truy nộp được xác định trên cơ sở công suất thiết kế các đồ dùng bằng điện nhân (x) 8 giời/ngày và nhân (x) với thời gian ăn cắp điện.
Thời gian ăn cắp điện dùng để tính điện năng truy thu được xác định từ ngày ăn cắp điện đến ngày kiểm tra phát hiện, trường hợp không có căn cứ để xác định thời gian ăn cắp điện thì lượng điện năng tiêu thụ được tính từ ngày kiểm tra phát hiện trở lại ít nhất 1 năm.
Giá điện để tính mức truy thu được xác định là 10đ/KWh.
b) Các hình thức phạt:
-
Các hộ ăn cắp điện phải nộp phạt từ 20 - 30% so với số tiền điện phải truy thu nói trên, tỷ lệ phạt cụ thể trong từng trường hợp, do cơ quan quản lý điện quyết định.
-
Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng và tính chất vi phạm mà áp dụng thêm các hình thức xử phạt như:
-
Ngừng cung cấp điện có thời hạn hoặc huỷ bỏ hợ đồng cung cấp và tiêu thụ điện đã ký kết giữa Sở Điện lực và khách hàng dùng điện.
-
Tịch thu những tang vật đã sử dụng vào việc ăn cắp điện.
- Các hộ dùng điện phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý điện tiến hành kiểm tra và thực hiện nghiêm chỉnh các khoản phải nộp về truy thu và tiền phạt nói ở điểm 3.
II. NGUỒN TIỀN ĐỂ NỘP TRUY THU VÀ TIỀN PHẠT
- Đối với xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, nếu phải nộp số tiền truy thu về ăn cắp điện trong năm kiểm tra thì hạch toán vào giá thành sản phẩm của năm đó. Nếu thuộc sản lượng điện ăn cắp các năm trước thì số tiền nộp truy thu hạch toán vào khoản "lỗ năm trước".
Nguồn tiền nộp phạt do ăn cắp điện của các đơn vị nói trên phải hạch toán vào "Lỗ” của xí nghiệp (trừ vào lãi thực hiện). Xí nghiệp không được loại trừ khoản này khi xét duyệt hoàn thành kế hoạch và trích lập các quỹ xí nghiệp và không được hạch toán khoản tiền phạt này vào giá thành sản phẩm.
-
Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp kể cả các lực lưọng vũ trang, nếu ăn cắp điện thì nguồn tiền để nộp truy thu và tiền phạt được giải quyết tuỳ theo trường hợp vi phạm: nếu sử dụng điện vào kinh doanh sản xuất phụ hoặc tăng gia thì nguồn tiền nộp trên đây được tính vào chi phí sản xuất phụ hoặc tăng gia. Nếu sử dụng điện sinh hoạt trái phép thì phải trừ vào kinh phí được cấp trong năm.
-
Đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, có thể nộp phạt trực tiếp bằng tiền mặt hoặc bằng vốn ở tài khoản tiền gửi Ngân hàng.
Các hộ tư nhân phải nộp trực tiếp bằng thu nhập của mình.
III. XỬ LÝ CÁC KHOẢN TIỀN VÀ TÀI SẢN THU ĐƯỢC
- Các đơn vị, các hộ tư nhân nộp các khoản tiền truy thu và tiền phạt tại cơ quan kinh doanh điện (nơi ký kết hợp đồng cung cấp và tiêu thụ điện).
Sau khi lập biên bản và thông báo về mức nộp của từng khoản, hộ ăn cắp điện phải nộp ngay số tiền phải nộp.
- Cơ quan quản lý điện được xử lý số tiền truy thu về ăn cắp điện theo quy định dưới đây:
-
Số truy thu tính từ ngày kiểm tra phát hiện trở lại đến 1/1 năm tiến hành kiểm tra được tính vào doanh thu và điện thương phẩm của năm đó theo giá chỉ đạo của Nhà nước. Đồng thời, phải hạch toán tăng sản lượng điện thương phẩm và giảm điện tổn thất tương ứng với sản lượng và doanh thu đã tăng lên. Còn khoản chênh lệch giá giữa giá chỉ đạo Nhà nước và giá truy thu thì tính vào khoản "Lãi khác” của năm đó.
-
Toàn bộ số truy thu của sản lượng điện ăn cắp các năm trước năm tiến hành kiểm tra được tính vào khoản "Lãi khác” (Lãi các năm trước).
-
Số tiền phạt thu được về ăn cắp điện được phân phối như sau:cơ quan quản lý điện được sử dụng 20% tổng số tiền phạt thu được nói ở điểm 3 (mục 1) vào các mục đích quy định ở điểm 4 (mục II) dưới đây; sô còn lại 80% được hạch toán vào "Lãi khác” và nộp ngân sách Nhà nước (không được tính vào tổng số lợi nhuận thực hiện để xét trích lập quỹ xí nghiệp theo chế độ hiện hành).
-
Số tiền phạt Nhà nước để lại nói ở điểm 3 (mục III), cơ quan quản lý điện được sử dụng vào các mục đích sau:
-
Thưởng cho đơn vị, cá nhân tham gia trực tiếp vào việc kiểm tra sử dụng điện kể cả người tố giác, tuỳ theo mức độ đóng góp.
-
Bồi dưỡng cho những người trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện được các vụ ăn cắp điện với mức không quá 20đ/1 ngày kiểm tra.
-
Trang bị phương tiện thông thường để quản lý điện: các dụng cụ đo đếm, kiểm tra sử dụng điện.
Số tiền phạt thu được, cơ quan quản lý điện không được dùng vào bữa ăn giữa ca, Liên hoan và không phải nộp cấp trên.
- Đối với tài sản - vật tư hàng hoá thu được trong khi kiểm tra các hộ ăn cắp điện, cơ quan quản lý điện phải giao toàn bộ lại cho cơ quan tài chính tỉnh - thành phố - đặc khu để xử lý theo chế độ hiện hành về việc xử lý số tài sản tịch thu.
Cơ quan quản lý điện và tài chính không được giữ lại để phân phối nội bộ.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
- Quy định tạm thời về chế độ đối với việc xử lý các trường hợp ăn cắp điện được áp dụng trong cả nước kể từ ngày ký.
Những điểm trong quy định tạm thời này được áp dụng để xử lý các trường hợp vi phạm phát hiện trước đây nhưng chưa xử lý.
-
Việc tiến hành kiểm tra sử dụng điện phải do nhân viên của cơ quan quản lý điện được giao nhiệm vụ theo quyết định của Sở quản lý phân phối điện các tỉnh, thành phố hoặc uỷ quyền cho các chi nhánh phân phối điện các huyện (quận) thực hiện.
-
Cơ quan quản lý điện khi tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện, nếu phát hiện những trường hợp sản xuất , kinh doanh , dịch vụ trái phép cần báo cáo ngay cho UBND địa phương để xử lý kịp thời theo pháp luật. Đồng thời; cung cấp tài liệu cho cơ quan tài chính địa phương để có căn cứ truy thu thuế theo chế độ hiện hành đối với những hộ đã trốn thuế, lậu thuế.
-
Hằng quý, cơ quan quản lý điện phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý các khoản tiền truy thu và tiền phạt thu được và tình hình sử dụng các khoản thu này cho ngành chủ quản và cơ quan tài chính cùng cấp.
-
Các văn bản do các ngành, các cấp quy định trước đây về xử lý các trường hợp ăn cắp điện trái với thông tư này, đều bãi bỏ.
KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính Thứ trưởng Thứ trưởng |
|
---|---|
(Đã ký) | |
Lê Bá Thuỷ Vũ Hiền |