BỘ QUỐC PHÒNG Số: 70/2024/TT-BQP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2024 |
---|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CẢI TẠO XE CƠ GIỚI, XE MÁY CHUYÊN DÙNG THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (sau đây viết chung là xe quân sự) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đến cải tạo xe quân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Xe cơ giới gồm xe ô tô kể cả xe ô tô sát xi, xe ô tô đầu kéo, xe ô tô điện; rơ moóc và sơ mi rơ moóc kể cả rơ moóc, sơ mi rơ moóc có lắp các trang thiết bị chuyên dùng.
a) Xe ô tô gồm xe con, xe vận tải, xe chuyên dùng;
b) Xe con là những xe chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Xe vận tải là những xe có kết cấu để chở hàng hoặc được dùng để kéo pháo, kéo khí tài;
d) Xe chuyên dùng là những xe có kết cấu riêng phù hợp với tính năng chiến - kỹ thuật và công năng của từng loại trang bị kỹ thuật, gồm: Xe chuyên dùng chung và xe chuyên dùng quân sự (gọi là xe đặc chủng).
-
Xe máy chuyên dùng gồm xe máy chuyên dùng quân sự, xe máy thi công, xe máy xếp dỡ và các loại xe máy chuyên dùng khác có tham gia giao thông theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
-
Cải tạo xe quân sự là việc thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi hệ thống, tổng thành của xe; trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành cùng kiểu loại, cùng nhà sản xuất cùng mã phụ tùng không phải là cải tạo.
-
Xe nguyên thủy là xe quân sự chưa cải tạo không có sự thay đổi về tính năng, về các hệ thống, tổng thành so với thiết kế của nhà sản xuất.
-
Xe trước cải tạo (xe quân sự trước cải tạo) là xe nguyên thủy hoặc xe quân sự đã từng cải tạo.
-
Hệ thống gồm: Hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu, hệ thống điện thủy lực, hệ thống điện tự động hóa, hệ thống thủy lực, hệ thống công tác.
-
Tổng thành gồm động cơ, khung xe, buồng lái, thân xe hoặc thùng hàng, thiết bị chuyên dùng.
-
Thay đổi tính năng sử dụng là thay đổi công năng hiện tại của xe quân sự.
-
Thay đổi hệ thống là thay đổi một phần hoặc toàn bộ hệ thống bằng một phần hoặc toàn bộ hệ thống khác bảo đảm tính năng chiến - kỹ thuật của xe quân sự.
-
Thay đổi tổng thành là thay đổi tổng thành bằng tổng thành khác bảo đảm tính năng chiến - kỹ thuật của xe quân sự.
-
Khối lượng toàn bộ là tổng khối lượng bản thân và trọng tải.
-
Thẩm định thiết kế là việc kiểm tra, đối chiếu các nội dung hồ sơ thiết kế với cấu hình, tính năng chiến - kỹ thuật do Tổng Tham mưu trưởng phê duyệt và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe quân sự cải tạo.
-
Nghiệm thu xe quân sự cải tạo là kiểm tra, đối chiếu để đánh giá chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe quân sự sau cải tạo theo hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương II: NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC CẢI TẠO XE QUÂN SỰ
Điều 4. Nội dung cải tạo xe cơ giới
- Thay đổi tính năng sử dụng của xe cơ giới
a) Xe con, xe vận tải cải tạo thành xe chuyên dùng hoặc xe chuyên dùng cải tạo thành xe chuyên dùng khác;
b) Xe chuyên dùng cải tạo thành xe vận tải, xe con;
c) Rơ moóc, sơ mi rơ moóc cải tạo thành rơ moóc chuyên dùng, sơ mi rơ moóc chuyên dùng hoặc rơ moóc chuyên dùng, sơ mi rơ moóc chuyên dùng cải tạo thành rơ moóc chuyên dùng khác, sơ mi rơ moóc chuyên dùng khác;
d) Lắp đặt trang bị kỹ thuật lên xe cơ giới sau cải tiến, cải hoán, hiện đại hoá.
- Thay đổi hệ thống, tổng thành nguyên thủy bằng hệ thống, tổng thành khác bảo đảm tính năng chiến - kỹ thuật của xe cơ giới.
Điều 5. Nội dung cải tạo xe máy chuyên dùng
- Thay đổi tính năng sử dụng của xe máy chuyên dùng
a) Cải tạo thay đổi tính năng của xe máy chuyên dùng từ loại này sang loại khác;
b) Lắp đặt trang bị kỹ thuật lên xe máy chuyên dùng sau cải tiến, cải hoán, hiện đại hóa.
- Thay đổi hệ thống, tổng thành nguyên thủy bằng hệ thống, tổng thành khác bảo đảm tính năng chiến - kỹ thuật của xe máy chuyên dùng.
Điều 6. Nguyên tắc cải tạo xe quân sự
-
Không thay khung xe mà chỉ thay đổi chiều dài hoặc gia cố tăng cường khung xe nguyên thuỷ nhưng không thay đổi chiều dài cơ sở của xe nguyên thủy trừ rơ moóc và sơ mi rơ moóc.
-
Mỗi xe cơ giới chỉ cải tạo, thay đổi động cơ và không quá 03 hệ thống, tổng thành trong 07 hệ thống, tổng thành của xe nguyên thủy. Cụ thể:
a) Hệ thống truyền lực (ly hợp, hộp số, trục các đăng, cầu chủ động);
b) Hệ thống chuyển động (bánh xe);
c) Hệ thống treo;
d) Hệ thống phanh;
đ) Hệ thống lái;
e) Buồng lái, thùng hàng hoặc thùng tự đổ;
g) Hệ thống điện xe (đối với xe ô tô điện: Hệ thống Pin lưu trữ điện (BESS), hệ thống quản lý: Chỉ báo trạng thái sạc, kiểm soát nhiệt độ pin, bộ chuyển đổi điện tử, động cơ và điều khiển; dây điện và đầu nối; hệ thống sạc bên ngoài nếu được trang bị; bộ phận kết nối đầu sạc trên xe).
- Mỗi xe máy chuyên dùng chỉ cải tạo, thay động cơ và không quá 04 hệ thống, tổng thành trong 08 hệ thống, tổng thành của xe nguyên thủy. Cụ thể:
a) Hệ thống truyền lực gồm (ly hợp, hộp số, trục các đăng, cầu chủ động, truyền động thủy lực);
b) Hệ thống chuyển động (bánh xe, cầu bị động, mô tơ di chuyển);
c) Hệ thống treo;
d) Hệ thống phanh;
đ) Hệ thống lái;
e) Hệ thống điện, điện thủy lực, điện tự động hóa;
g) Buồng lái, thân xe;
h) Thiết bị chuyên dùng.
-
Phải bảo đảm phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.
-
Khối lượng toàn bộ của xe quân sự sau cải tạo phải bảo đảm các chỉ tiêu về độ ổn định, an toàn khi vận hành và bảo đảm về khối lượng xe theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
-
Khổ giới hạn của xe quân sự sau cải tạo không vượt quá khổ giới hạn theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
-
Xe quân sự sau cải tạo phải đăng ký theo quy định của pháp luật.
Chương III: QUY TRÌNH, THỦ TỤC CẢI TẠO XE QUÂN SỰ
Điều 7. Quy trình cải tạo xe quân sự
-
Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có nhu cầu cải tạo xe quân sự xây dựng cấu hình, tính năng chiến - kỹ thuật của xe (đối với trường hợp thay đổi tính năng chiến - kỹ thuật), trình Tổng Tham mưu trưởng phê duyệt.
-
Cấp phép cải tạo xe quân sự.
-
Thiết kế cải tạo xe quân sự.
-
Thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự.
-
Thi công cải tạo xe quân sự.
-
Nghiệm thu xe quân sự.
Điều 8. Cấp phép cải tạo xe quân sự
- Thẩm quyền cấp phép cải tạo xe quân sự
a) Tổng Tham mưu trưởng cấp phép cải tạo xe quân sự đối với các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
b) Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cấp Giấy phép cải tạo xe quân sự theo Mẫu số 02 Phụ lục II kèm theo Thông tư này đối với các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
-
Giấy phép cải tạo xe quân sự cấp cho từng xe hoặc loạt xe, là căn cứ để thiết kế kỹ thuật, thi công cải tạo và đăng ký.
-
Hồ sơ đề nghị cấp phép cải tạo xe quân sự
a) Cơ quan xe - máy hoặc xe máy - vận tải đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép cải tạo xe quân sự gửi về cơ quan có thẩm quyền cấp phép qua mạng quân sự hoặc trực tiếp hoặc quân bưu;
b) Hồ sơ đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5 Thông tư này, gồm: Tờ trình của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đề nghị cấp phép cải tạo xe quân sự theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II kèm theo Thông tư này; bản sao Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng về việc phê duyệt cấu hình, tính năng chiến - kỹ thuật của xe sau cải tạo; bản sao chứng từ nguồn gốc của xe đối với xe chưa đăng ký và bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đối với xe đã đăng ký, bản sao chứng từ gốc của tổng thành được thay thế;
c) Hồ sơ đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Thông tư này, gồm: Tờ trình của cơ quan kỹ thuật hoặc cơ quan hậu cần - kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đề nghị cấp phép cải tạo xe quân sự theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II kèm theo Thông tư này; bản sao chứng từ nguồn gốc của xe đối với xe chưa đăng ký; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đối với xe đã đăng ký và bản sao chứng từ nguồn gốc của tổng thành được thay thế.
Điều 9. Thiết kế cải tạo xe quân sự
-
Cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thiết kế cải tạo xe quân sự hoặc tổ chức được cấp có thẩm quyền cấp phép kinh doanh ngành nghề thiết kế phương tiện cơ giới đường bộ chịu trách nhiệm trước pháp luật, Bộ Quốc phòng về nội dung, chất lượng hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự. Trường hợp lắp đặt trang bị kỹ thuật lên xe quân sự phải do đơn vị thiết kế thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.
-
Hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự
a) Các bản vẽ kỹ thuật được trình bày theo Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành gồm: Bản vẽ bố trí chung xe quân sự sau khi cải tạo; bản vẽ bố trí chung xe quân sự trước khi cải tạo để đối chiếu; bản vẽ lắp đặt tổng thành, hệ thống được cải tạo; bản vẽ những chi tiết được cải tạo, chế tạo mới bao gồm cả yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và vật liệu được phép sử dụng khi cải tạo, thay thế;
b) Thuyết minh tính toán gồm các nội dung: Sự cần thiết phải cải tạo xe; tính năng chiến - kỹ thuật cơ bản của xe quân sự trước và sau cải tạo; nội dung và các bước thực hiện cải tạo; tính toán các đặc tính động học, động lực học liên quan tới nội dung cải tạo; tính toán kiểm nghiệm sức bền, hiệu quả kinh tế; hướng dẫn sử dụng xe quân sự sau cải tạo; kết luận;
c) Điều kiện kỹ thuật nghiệm thu, kiểm tra chất lượng xe quân sự sau cải tạo.
- Xe quân sự cải tạo không phải lập hồ sơ thiết kế trong các trường hợp sau:
a) Xe quân sự tập lái, sát hạch lắp đặt hoặc tháo bỏ bàn đạp phanh phụ (bàn đạp phanh phụ liên kết với bàn đạp phanh chính thông qua thanh đòn dẫn động cơ khí);
b) Lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng xe của xe ô tô tải tự đổ nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng xe;
c) Lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô bán tải nhưng không làm thay đổi kích thước bao của xe.
Điều 10. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự
-
Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự theo quy định của pháp luật; Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự.
-
Cơ quan, đơn vị đề nghị thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này gửi hồ sơ qua mạng quân sự hoặc trực tiếp hoặc quân bưu về Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan thẩm định tại khoản 1 Điều này phải có văn bản thẩm định gửi đơn vị đề nghị. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có văn bản yêu cầu cơ quan, đơn vị bổ sung, thời gian bổ sung hồ sơ không được tính vào thời hạn giải quyết.
Trường hợp xe quân sự được cải tạo từ nhãn xe cơ sở mới, chưa đủ tài liệu kỹ thuật của xe cơ sở, cần thời gian để nghiên cứu thì cơ quan thẩm định Hồ sơ thiết kế phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho đơn vị trình thiết kế biết; thời gian kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
-
Xe quân sự có nhu cầu cải tạo đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc các Sở giao thông vận tải thẩm định thiết kế thì không làm thủ tục thẩm định; đơn vị có xe cải tạo phải gửi về Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật bản chính hồ sơ thiết kế đã được thẩm định hoặc bản sao có kèm theo bản chính để đối chiếu.
-
Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt Hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự
a) Hồ sơ đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5 Thông tư này, gồm: Công văn của cơ quan kỹ thuật hoặc cơ quan hậu cần - kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đơn vị thiết kế trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự theo quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục II kèm theo Thông tư này; bản sao Quyết định phê duyệt cấu hình, tính năng chiến - kỹ thuật xe cải tạo của Tổng Tham mưu trưởng; bản sao Giấy phép cải tạo xe quân sự của Tổng Tham mưu trưởng và bộ hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự;
b) Hồ sơ đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Thông tư này, gồm: Công văn của cơ quan kỹ thuật hoặc cơ quan hậu cần - kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đơn vị thiết kế trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự theo quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục II kèm theo Thông tư này; bản sao Giấy phép cải tạo xe quân sự của Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; bộ hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự.
- Hồ sơ thiết kế đã phê duyệt được lưu trữ tại Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và gửi đến các cơ quan sau:
a) Đơn vị thiết kế;
b) Cơ quan xe - máy hoặc xe máy - vận tải đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Đơn vị thi công cải tạo.
Điều 11. Thi công cải tạo xe quân sự
- Đơn vị, tổ chức thi công cải tạo xe quân sự
a) Tổ chức có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh ngành nghề thi công cải tạo, sản xuất, lắp ráp phương tiện cơ giới đường bộ;
b) Đơn vị trong Bộ Quốc phòng có chức năng, nhiệm vụ thi công cải tạo xe quân sự.
-
Thi công cải tạo xe quân sự phải đúng hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
-
Đơn vị, tổ chức thi công cải tạo xe quân sự quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm về chất lượng, xe quân sự sau cải tạo.
-
Việc thi công cải tạo xe quân sự phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp thi công cải tạo, lắp đặt trang bị kỹ thuật lên xe quân sự phải do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.
Điều 12. Quy trình, hồ sơ nghiệm thu xe quân sự cải tạo
- Hồ sơ đề nghị nghiệm thu xe quân sự cải tạo, gồm:
a) Công văn đề nghị nghiệm thu của cơ quan kỹ thuật hoặc cơ quan hậu cần - kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II kèm theo Thông tư này gửi về Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật qua mạng quân sự hoặc trực tiếp hoặc quân bưu;
b) Bản sao Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng về việc phê duyệt cấu hình, tính năng chiến - kỹ thuật của xe sau cải tạo (đối với trường hợp thay đổi tính năng);
c) Bản sao Giấy phép cải tạo xe quân sự;
d) Hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự đã được phê duyệt;
đ) Bản sao chứng từ gốc của xe đối với xe chưa đăng ký (Giấy chứng nhận đăng ký đối với xe đã đăng ký, chứng từ gốc của tổng thành được thay thế);
e) Giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng của cơ sở thi công cải tạo;
g) Biên bản nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.
-
Biên bản nghiệm thu xe quân sự cải tạo (đối với xe cơ giới theo quy định tại Mẫu số 05, đối với xe máy chuyên dùng theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục II kèm theo Thông tư này) làm cơ sở để Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe quân sự cải tạo (đối với xe cơ giới theo quy định tại Mẫu số 07, đối với xe máy chuyên dùng theo quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục II kèm theo Thông tư này).
-
Hồ sơ nghiệm thu xe quân sự cải tạo gồm: Hồ sơ đề nghị nghiệm thu xe quân sự cải tạo quy định tại khoản 1 Điều này và biên bản nghiệm thu xe quân sự cải tạo của Hội đồng nghiệm thu Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều này, được lưu trữ tại Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật 01 bộ, cơ quan xe - máy hoặc xe máy - vận tải đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng (đơn vị có xe cải tạo) 01 bộ và cơ sở thi công cải tạo 01 bộ.
Điều 13. Hội đồng nghiệm thu xe quân sự cải tạo
-
Cơ quan xe - máy hoặc xe máy - vận tải đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đề xuất với Chủ nhiệm Kỹ thuật hoặc Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật cùng cấp báo cáo Thủ trưởng đơn vị thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, thành phần Hội đồng nghiệm thu do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
-
Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật thành lập Hội đồng nghiệm thu, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thành phần Hội đồng nghiệm thu do Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật quyết định (thành phần Hội đồng nghiệm thu theo quy định tại Mẫu số 05 và Mẫu số 06 Phụ lục II kèm theo Thông tư này).
-
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng nghiệm thu
a) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, các thành viên của Hội đồng tham gia ý kiến, trao đổi để thống nhất, trường hợp có những ý kiến khác nhau thì quyết định theo đa số, trường hợp các ý kiến ngang nhau thì do Chủ tịch Hội đồng quyết định;
b) Đối với các sản phẩm được thi công hàng loạt, sau khi nghiệm thu sản phẩm đầu tiên đạt yêu cầu, Hội đồng nghiệm thu Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có thể ủy quyền cho phép Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở tự kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các sản phẩm tiếp theo. Biên bản nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở có giá trị để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Chương IV: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 14. Bộ Tổng Tham mưu
-
Phê duyệt cấu hình, tính năng chiến - kỹ thuật của xe sau cải tạo đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
-
Cấp phép cải tạo đối với các xe quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
Điều 15. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật
-
Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về công tác cải tạo xe quân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
-
Chỉ đạo Cục Xe máy - Vận tải
a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra công tác cải tạo xe quân sự; cấp phép cải tạo đối với các xe quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 Thông tư này;
b) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo xe quân sự;
c) Tổ chức kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe quân sự cải tạo;
d) Quản lý, lưu trữ hồ sơ cải tạo xe quân sự theo quy định tại Thông tư này.
Điều 16. Các cơ quan, đơn vị
-
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về công tác cải tạo xe quân sự của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
-
Cơ quan xe - máy hoặc xe máy - vận tải các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng
a) Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác cải tạo xe quân sự theo quy định tại Thông tư này;
b) Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cải tạo xe quân sự;
c) Chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật về công tác cải tạo xe quân sự.
Chương V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và thay thế Thông tư số 95/2023/TT-BQP ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Điều 18. Quy định chuyển tiếp
-
Xe quân sự có hồ sơ thiết kế cải tạo đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 95/2023/TT-BQP ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
-
Xe quân sự đã được cấp có thẩm quyền cấp phép cải tạo xe quân sự trước ngày Thông tư này có hiệu lực, các bước tiếp theo thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
KT. BỘ TRƯỞNG Thứ trưởng | |
---|---|
(Đã ký) | |
Thượng tướng Lê Huy Vịnh |