BỘ CÔNG AN Số: 04/2025/TT-BCA |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 13 tháng 1 năm 2025 |
---|
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 35/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân và Thông tư số 36/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về nghi lễ Công an nhân dân
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân ngày 22 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Nghị định số 05/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 35/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 36/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về nghi lễ Công an nhân dân.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2019/TT-BCA ngày 18/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định điều lệnh Nội vụ Công an nhân dân
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:
"1. Công an các đơn vị, địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuần, tháng, quý, 06 tháng, năm; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuần được lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp phê duyệt. Kế hoạch công tác tuần của cán bộ, chiến sĩ ghi theo Mẫu "Sổ kế hoạch công tác tuần” (kèm theo Thông tư này). Sổ kế hoạch công tác tuần phải ghi đầy đủ, cụ thể dự kiến nội dung công việc trong tuần và kết quả thực hiện từng ngày. Đối với cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ điều tra, trinh sát hoặc nhiệm vụ khác cần giữ bí mật về nghiệp vụ công tác thì chỉ cần ghi đề mục công việc; lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp phụ trách cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm nhận xét đánh giá kết quả thực hiện trong tuần và phê duyệt nội dung công tác tuần tiếp theo vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Trường hợp công tác đột xuất, lãnh đạo, chỉ huy sẽ phê duyệt vào ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc tiếp theo.
Trưởng phòng, Trưởng Công an cấp huyện và tương đương trở lên xây dựng chương trình lịch hằng tuần báo cáo cấp trên duyệt (thay vì ghi vào sổ kế hoạch công tác tuần); một số lực lượng nghiệp vụ đang thực hiện ghi sổ Chương trình công tác tuần theo quy định của Bộ thì không phải ghi sổ kế hoạch công tác tuần; chiến sĩ nghĩa vụ, học sinh, sinh viên thực hiện nhiệm vụ và chương trình lịch học hằng tuần theo kế hoạch của đơn vị và nhà trường; công nhân công an làm việc theo phân công của đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng lao động.
Chương trình, kế hoạch công tác phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc có kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện. Cấp uỷ, lãnh đạo Công an các cấp căn cứ vào kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị và nội dung ghi kế hoạch công tác tuần của cán bộ, chiến sĩ để tiến hành đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của tập thể và phân loại, đánh giá chất lượng cán bộ; lấy kết quả phân loại, đánh giá chất lượng cán bộ là một trong những căn cứ để bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ. Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong thực hiện chương trình, kế hoạch công tác được tiến hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 16 như sau:
"4. Căn cứ tình hình và tính chất công tác, thủ trưởng đơn vị quyết định tổ chức giao ban đột xuất, giao ban chuyên đề, giao ban theo cụm công tác. Những trường hợp không tổ chức được giao ban trực tiếp thì giao ban trực tuyến hoặc giao ban qua ứng dụng công nghệ nhưng phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 như sau:
"1. Công an đơn vị, địa phương phải tổ chức nghiêm túc chế độ trực ban, trực chỉ huy bảo đảm quân số thường trực chiến đấu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Có danh sách hoặc lịch trực được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu một ca trực ban, trực chỉ huy bảo đảm theo đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác trực ban, trực chỉ huy trong Công an nhân dân.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 như sau:
"1. Công an đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của Bộ trưởng Bộ Công an; khi phát hiện có dấu hiệu lộ, lọt, mất bí mật nhà nước phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 như sau:
"1*.* Công an đơn vị, địa phương phải bảo đảm chế độ nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ theo quy định. Cán bộ, chiến sĩ là nam giới khi có vợ sinh con, được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ để quyết định chế độ nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ khi nghỉ phải thực hiện đúng thời gian và nơi nghỉ đã đăng ký với đơn vị; khi lãnh đạo đơn vị yêu cầu phải có mặt kịp thời.”.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
" Điều 23. Thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ và các giấy tờ công tác
-
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trước khi nghỉ hưu, chuyển sang lực lượng khác trong hoặc ngoài Công an, xuất ngũ hoặc bị tước danh hiệu Công an nhân dân phải nộp lại cho đơn vị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; các phương tiện nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy tờ về điều tra hình sự, thanh tra, kiểm tra đặc biệt, kiểm tra điều lệnh, tuần tra, kiểm soát giao thông và các loại giấy tờ khác do lực lượng Công an nhân dân cấp để phục vụ công tác.
-
Đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trước khi nghỉ hưu, chuyển sang lực lượng khác trong hoặc ngoài Công an, xuất ngũ hoặc bị tước danh hiệu Công an nhân dân có trách nhiệm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, các phương tiện nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này.”.
-
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 26 như sau:
"b) Trang phục thường dùng.”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 27 như sau:
"g) Dự Đại hội thi đua toàn quốc, Đại hội thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, Đại hội đại biểu Hội cựu Công an nhân dân và Hội nghị điển hình tiên tiến Công an các đơn vị, địa phương.”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 33 như sau:
"b) Trong thời gian giao mùa từ ngày 01 tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 và từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 30 tháng 11, căn cứ vào dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thuỷ văn, nếu nhiệt độ cao nhất trong ngày dưới 20 0 C thì cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục thu đông, nếu nhiệt độ thấp trong ngày từ 20 0 C trở lên thì mặc trang phục xuân hè. Lãnh đạo Bộ Công an phân cấp cho Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thông báo cho các đơn vị trực thuộc và các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có trụ sở làm việc tại địa phương về việc sử dụng trang phục theo mùa cho phù hợp; riêng đối với Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội do đồng chí Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị thông báo. Khi sinh hoạt tập trung phải mặc trang phục thống nhất do Ban Tổ chức hoặc thủ trưởng đơn vị quyết định.”.
- Bổ sung điểm d sau điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:
"d) Trong thời gian mặc trang phục được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này (trừ thời gian giao mùa được quy định tại điểm b khoản này), nếu thời tiết thay đổi bất thường làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ, chất lượng, hiệu quả công tác, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc sử dụng trang phục tại thời điểm đó, bảo đảm thống nhất trong toàn đơn vị và báo cáo về Bộ (qua Cục Công tác Đảng và công tác chính trị) để theo dõi, quản lý. Riêng Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.”.
- Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 và 3 Điều 34 như sau:
"2. Cán bộ, chiến sĩ nghỉ hưu, chuyển ngành được giữ lại trang phục Công an nhân dân, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cành tùng đơn, mũ kêpi và được sử dụng trong các trường hợp: Khi dự gặp mặt kỉ niệm, dự lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; ngày truyền thống Công an nhân dân; ngày thành lập của Công an đơn vị, địa phương; gặp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán; Đại hội Hội cựu Công an nhân dân các cấp và các sự kiện khác trong Công an nhân dân do Ban Tổ chức quyết định.
"3. Đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm thu hồi số hiệu đối với cán bộ, chiến sĩ nghỉ hưu, chuyển ngành; thu hồi trang phục Công an nhân dân, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, cành tùng đơn, mũ kêpi đã cấp đối với cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu Công an nhân dân.”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 36 như sau:
" a) Khi gặp Quốc kỳ, Công an kỳ hoặc Quân kỳ trong đội ngũ, đoàn xe có Cảnh sát giao thông dẫn đường, trừ trường hợp đang chỉ huy, hướng dẫn giao thông, áp giải phạm nhân hoặc không thể chào bằng động tác. Trường hợp khi có Quốc kỳ, Công an kỳ, Quân kỳ hoặc Quốc kỳ của nước bạn; các khối duyệt đội ngũ, duyệt binh, diễu binh, diễu hành đi qua lễ đài chào, các đại biểu dự trên lễ đài đứng nghiêm; cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân thực hiện động tác chào. Thời gian thực hiện động tác chào Quốc kỳ, Công an kỳ, Quân kỳ bắt đầu các khối đi đến trước lễ đài và khi đi qua lễ đài thì thôi chào. Trường hợp tổ chức nghi lễ cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam thì thực hiện thống nhất theo quy định của Ban Tổ chức.”.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 42 như sau:
"Điều 42. Ứng xử khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin
Khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giới thiệu tên và đơn vị của mình; ngôn ngữ giao tiếp phải đúng mực, lịch sự, rõ ràng, mạch lạc. Nội dung trao đổi ngắn gọn, tập trung vào công việc; không tiện trả lời thì xin lỗi, không đột ngột ngắt cuộc trao đổi; thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình trao đổi thông tin, kết thúc cuộc trao đổi bằng lời chào hoặc cảm ơn. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Không đăng tải hình ảnh các loại giấy tờ, số hiệu Công an nhân dân do ngành Công an cấp, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ sử dụng trang phục Công an nhân dân lên mạng xã hội, trừ trường hợp đăng tải hình ảnh có tác động tích cực đến xã hội, lan toả hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân. Không tạo địa điểm, thêm địa chỉ, đưa thông tin của cơ quan, vị trí đơn vị đóng quân, nơi tập kết làm nhiệm vụ, các khu vực cấm quay phim, chụp ảnh của lực lượng Công an nhân dân lên bản đồ vệ tinh, các ứng dụng bản đồ chạy trên nền tảng mạng internet, trừ địa điểm, trụ sở cơ quan Công an được công khai thực hiện công tác tiếp dân theo quy định. Thủ trưởng Công an cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Công an cấp trên trực tiếp về công tác quản lý việc thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong phạm vi quản lý của mình.”.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 43 như sau:
"Điều 43. Những điều cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
"1. Để tay vào túi quần hoặc túi áo khi làm nhiệm vụ; đeo kính tối màu khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác. Trường hợp phải đeo kính tối màu theo chỉ định của bác sĩ hoặc để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thì phải được Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý.
-
Nhuộm tóc khác màu đen; móng tay, móng chân để dài, sơn màu; đính đá, phủ nhũ. Cán bộ, chiến sĩ nam để tóc dài trùm tai, trùm gáy hay cắt tóc sát da đầu, trừ trường hợp do đầu bị hói; để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt, trừ trường hợp bị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ; cán bộ, chiến sĩ nam đục lỗ, xỏ khuyên*;* cán bộ, chiến sĩ nữ đục lỗ, xỏ khuyên tại vị trí khác vị trí dái tai. Trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ công tác, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc cán bộ, chiến sĩ thực hiện các nội dung quy định tại khoản này.
-
Mặc trang phục Công an nhân dân ăn, uống ở hàng quán mở trên vỉa hè trái quy định; hút thuốc khi làm nhiệm vụ, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường và ở những nơi có quy định cấm hút thuốc.
-
Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào; mê tín, bói toán; sử dụng rượu, bia và các chất có cồn trước, trong giờ làm việc, cả vào bữa ăn giữa ca trong ngày làm việc, ngày trực; uống rượu, bia say trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng chất gây nghiện; điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; bỏ vị trí công tác (vắng trực không lý do).
-
Lập bàn thờ, để bát hương, thắp hương trong hội trường, phòng họp, phòng khách, phòng làm việc, phòng ở, nhà kho, nhà ăn tập thể, nơi để hồ sơ tài liệu thuộc phạm vi trụ sở đơn vị Công an, trừ khi tổ chức lễ tang, lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định của Nhà nước, nhưng phải chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị mình.”.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 103 như sau:
"3. Động tác đi đều chuyển thành đi nghiêm chào:
a) Khối trưởng:
-
Khẩu lệnh: "Nhìn bên phải, chào” hoặc "Nhìn bên trái, chào”; hô dự lệnh và động lệnh rơi vào chân trái;
-
Động tác: Làm 2 cử động, gồm:
Cử động 1: Chân phải bước lên, chân trái bước lên bước thứ nhất, đi đều;
Cử động 2: Chân phải tiếp tục bước lên, chân trái bước lên bước thứ hai, chuyển thành đi nghiêm, khi bàn chân trái vừa chạm đất, kết hợp tay phải đánh lên vị trí chào, đầu ngón tay giữa chạm vào vành mũ bên phải, cánh tay trên nâng lên hợp với thân người 1 góc 800 (độ), đồng thời quay mặt sang phải (trái) 450 (độ) nhìn vào đối tượng mình chào.
"b) Các thành viên trong khối: Nghe dứt khẩu lệnh, chân phải bước lên một bước, chân trái bước lên bước thứ nhất, khi bàn chân vừa chạm đất đồng loạt hô "Một”. Chân phải bước lên, chân trái bước lên bước thứ hai, đồng loạt hô "Hai, toàn khối đi nghiêm chào.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 103 như sau:
"4. Đang đi nghiêm chào chuyển thành đi đều thôi chào:
a) Khối trưởng:
-
Khẩu lệnh: "Đi đều, bước”; hô dự lệnh và động lệnh rơi vào chân trái;
-
Động tác: Làm 2 cử động, gồm:
Cử động 1: Chân phải bước lên, chân trái bước lên bước thứ nhất vẫn đi nghiêm.
Cử động 2: Chân phải tiếp tục bước lên, chân trái bước lên bước thứ hai chuyển thành đi đều, kết hợp tay phải từ vị trí đang chào hạ xuống vị trí đi đều, đồng thời quay mặt nhìn thẳng, thôi chào.”.
b) Các thành viên trong khối: Nghe dứt khẩu lệnh, toàn khối hô chuyển bước tiếp lệnh từ đi nghiêm chuyển thành đi đều thôi chào.”.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2019/TT-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Nghi lễ Công an nhân dân
- Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 9 như sau:
"đ) Chào cờ và hát Quốc ca
Khi hô khẩu lệnh chào cờ, chủ lễ, trực ban buổi lễ, cán bộ, chiến sĩ thực hiện động tác chào; toàn thể cán bộ, chiến sĩ hát Quốc ca một lần lời 1; hát Quốc ca xong, trực ban buổi lễ hô "thôi”, cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện động tác chào về tư thế đứng nghiêm.”.
- Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 và sửa đổi, bổ sung khoản 5, 6 và 7 Điều 57 như sau:
"4a. Dâng hương.
Ban Tổ chức mời các lãnh đạo, khách mời và cán bộ, chiến sĩ theo thứ tự thành một hàng dọc lên dâng hương. Tùy điều kiện thực tế, Ban Tổ chức quyết định mời đại diện hoặc toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đoàn lên dâng hương. Dâng hương xong về vị trí, nghe đọc lời tưởng niệm.
- Đọc lời tưởng niệm.
Ban Tổ chức đọc lời tưởng niệm, nội dung tưởng niệm ca ngợi công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh tụ, danh nhân văn hóa tiêu biểu đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, các Anh hùng liệt sĩ, ôn lại những truyền thống vẻ vang và hứa phấn đấu, học tập, rèn luyện, thực hiện.
- Tưởng niệm:
Sau khi đọc lời tưởng xong, sĩ quan, sĩ quan trực ban hô: "Nghiêm; phút tưởng niệm bắt đầu”, nhạc lễ cử (hoặc mở băng) bài "Lãnh tụ ca” khi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài "Hồn tử sĩ” khi tưởng niệm các lãnh tụ, danh nhân văn hóa, Anh hùng liệt sĩ. Lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân và cán bộ trực ban hướng về địa điểm dâng hoa, dâng hương thực hiện động tác chào. Kết thúc nhạc lễ, sĩ quan trực ban hô: "Thôi”; đại biểu, cán bộ, chiến sĩ đứng ở tư thế nghỉ.
- Kết thúc buổi lễ:
Ban Tổ chức tuyên bố: Buổi lễ dâng hoa, dâng hương đến đây kết thúc và cảm ơn các đại biểu tham dự buổi lễ.
Thứ tự các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ từ hàng ngang thứ nhất đến các hàng tiếp theo quay phải hoặc trái thành hàng dọc ra khỏi vị trí theo quy định của Ban Tổ chức.”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm a, b, c khoản 1 Điều 83 như sau:
"a) Lễ đài trang trí phông màu đen, phía trên có dòng chữ màu trắng "Vô cùng thương tiếc đồng chí (cấp bậc + tên cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần)”. Trường hợp lễ tang có từ hai đến năm cán bộ, chiến sĩ hy sinh thì tên các cán bộ, chiến sĩ hy sinh được ghi theo thứ tự từ trên xuống dưới đảm bảo nguyên tắc ưu tiên như sau: Chức vụ, cấp bậc hàm, tuổi đời. Trường hợp lễ tang có trên năm cán bộ, chiến sĩ hy sinh thì chỉ ghi chung "Vô cùng thương tiếc các đồng chí liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngày…. tháng… năm ...” hoặc "Vô cùng thương tiếc các đồng chí sĩ quan, hạ sĩ quan đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngày…. tháng… năm ...”
b) Bàn thờ đặt trước, chính giữa phông, dưới lễ đài; trên bàn thờ có ảnh cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần cỡ 40cm (centimét) x 30cm (centimét), giá Huân chương, lư hương, cây đèn. Trường hợp lễ tang có từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên thì di ảnh và giá để Huân chương (nếu có) của cán bộ, chiến sĩ hi sinh, từ trần đặt ở bàn thờ nhỏ phía dưới linh cữu.
c) Linh cữu phủ Công an kỳ (kích thước 300cm (centimét) x 200cm (centimét) đặt trên giá đỡ chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía lễ đài; trường hợp lễ tang có từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên, căn cứ vào thứ tự ưu tiên, hướng nhìn từ khán đài xuống hội trường. Linh cữu số 1 đặt tại trung tâm, phía trên của lễ đài, bên phải là linh cữu của đồng chí ưu tiên số 2, bên trái là linh cữu của đồng chí ưu tiên số 3, lần lượt theo số thứ tự ưu tiên xếp từ phải, sang trái, cho đến khi đạt được một hoặc nhiều hàng ngang, đảm bảo số lượng linh cữu phù hợp với diện tích lễ đài hoặc khu vực tổ chức lễ tang”.
- Sửa đổi, bổ sung các điểm a, b, c, và d khoản 2 Điều 84 như sau:
"a) Phủ Công an kỳ
Trước khi tổ chức lễ viếng 05 phút, hai cán bộ, chiến sĩ vào phủ Công an kỳ, động tác phủ Công an kỳ thực hiện như sau:
Từ vị trí tập kết (phía cuối đội tiêu binh) hai cán bộ, chiến sĩ vào phủ Công an kỳ thành một hàng ngang đi nghiêm tiêu binh (80 bước/phút). Theo hướng nhìn lên lễ đài, số 1 đi bên phải (có đánh tay), số 2 đi bên trái 2 tay nâng Công an kỳ đã gấp sẵn, 2 cánh tay trên khép sát thân người, cánh tay dưới vuông góc với cánh tay trên, bàn tay ngửa, năm ngón tay khép sát nắm chắc Công an kỳ. Đi đến chính giữa linh cữu thì đứng lại, thực hiện động tác quay bên phải (trái) mặt hướng vào linh cữu. Số 2 đặt nhẹ Công an kỳ lên nắp linh cữu; số 1 và số 2 phối hợp dùng 2 tay nắm mép ngoài Công an kỳ, đồng thời lùi một bước kéo căng và mở Công an kỳ, Công an kỳ được mở rộng và song song với mặt linh cữu, số 1 và số 2 phối hợp vừa phủ Công an kỳ vừa chỉnh cho ngay ngắn. Trường hợp linh cữu có kính nhìn mặt thì số 2 vừa phủ vừa gấp Công an kỳ sao cho mép trên của hàng chữ "Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cách mép dưới kính nhìn mặt khoảng 15cm (centimét), trường hợp linh cữu không có kính nhìn mặt thì phủ Công an kỳ kín linh cữu). Phủ xong thực hiện động tác quay phải (trái) đi nghiêm về vị trí ban đầu. Trường hợp lễ tang từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên, chỉ huy Đội tiêu binh, danh dự bố trí mỗi linh hai cán bộ, chiến sĩ vào phủ Công an kỳ, tập hợp thành hai hoặc nhiều hàng ngang đi nghiêm tiêu binh (80 bước/phút) vào phủ Công an kỳ. Động tác phủ Công an kỳ tại mỗi linh cữu như quy định đối với một cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần, được thực hiện đồng thời, theo mệnh lệnh của chỉ huy Đội tiêu binh, danh dự”.
b) Lễ viếng:
Đại diện Ban Tổ chức lễ tang công bố Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức lễ tang; thông báo thời gian tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang và lễ an táng hoặc hỏa táng, điện táng.
Đến giờ viếng, khi các lực lượng phục vụ lễ tang và những người tham dự lễ tang đã vào vị trí theo quy định, Ban Tổ chức lễ tang thông báo "Lễ viếng đồng chí (cấp bậc, họ tên) bắt đầu” hoặc "Lễ viếng các đồng chí liệt sĩ (hoặc các đồng chí sĩ quan, hạ sĩ quan) đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngày…. tháng… năm ... bắt đầu.
Giới thiệu các đoàn theo thứ tự vào viếng.
Từng đoàn vào viếng theo đội hình như sau: Hai cán bộ, chiến sĩ khiêng hoa đi trước; tiếp theo là Trưởng đoàn; các thành viên trong đoàn đi thành một hoặc nhiều hàng dọc. Sĩ quan dẫn viếng đi chếch phía sau, bên phải Trưởng đoàn.
Khi đoàn vào viếng, hai cán bộ, chiến sĩ khiêng hoa đứng chờ sẵn, hướng vòng hoa về phía đoàn, "Trình hoa”. Sau đó xoay vòng hoa lại, đi nghiêm tiêu binh (80 bước/phút) trước đoàn vào vị trí viếng.
Khi đến vị trí viếng, hai cán bộ, chiến sĩ khiêng hoa đứng lại, phối hợp xoay và đặt vòng hoa vào giá hoa viếng, hướng mặt vòng hoa về phía đoàn viếng, sửa lại ngay ngắn rồi quay đằng sau đi đều về đứng ở hai bên. Sĩ quan dẫn viếng hướng dẫn đoàn viếng đứng thành hàng ngang. Thành viên của đoàn viếng theo sự hướng dẫn đứng nghiêm, tùy số lượng đoàn viếng nhiều hay ít mà bố trí đứng thành một hoặc nhiều hàng ngang. Trưởng đoàn đứng chính giữa hàng thứ nhất, sĩ quan dẫn viếng đứng về bên phải đoàn viếng. Sĩ quan dẫn viếng mời Trưởng đoàn viếng lên thắp hương; Trưởng đoàn thắp hương xong trở về vị trí. Trường hợp lễ tang từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên, Ban tổ chức lễ tang căn cứ điều kiện thực tế để quyết định cho Trưởng đoàn viếng hoặc các thành viên trong đoàn viếng được thắp hương chung, thắp hương riêng cho các cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Mặc niệm: Khi đoàn viếng đã ổn định đội hình, người điều khiển âm thanh mở nhạc "Hồn tử sĩ”. Nếu có Đội nhạc lễ Công an nhân dân thì cử bài "Hồn tử sĩ”. Khi nghe bài "Hồn tử sĩ”, mọi người trong đoàn viếng mặc niệm. Cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân thực hiện động tác chào, mắt nhìn linh cữu, nếu mặc thường phục thì đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống. Khi nhạc dừng lại thì kết thúc mặc niệm. Trường hợp không có nhạc thì sĩ quan dẫn viếng hô: "Phút mặc niệm bắt đầu”, hết thời gian mặc niệm hô: "Thôi”.
Sau khi kết thúc mặc niệm, sĩ quan dẫn viếng hướng dẫn đoàn viếng đi thành một hàng dọc theo thứ tự: Trưởng đoàn, sau đó đến các thành viên trong đoàn. Sĩ quan dẫn viếng đi bên phải Trưởng đoàn, đi vòng từ bên phải linh cữu (phía trong cán bộ túc trực) lên đầu linh cữu, thực hiện động tác chào. Trường hợp lễ tang từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên, Ban Tổ chức lễ tang căn cứ điều kiện thực tế để hướng dẫn Đoàn viếng thực hiện động tác chào đi vòng qua linh cữu hoặc chào đi ngang qua trước bàn thờ nhỏ, rồi vòng đến vị trí nơi gia đình thân nhân người đã mất, chia buồn với gia đình, sau đó đi ra khỏi khu vực viếng; Trưởng đoàn viếng ghi sổ tang.
c) Lễ truy điệu:
Đến giờ làm lễ truy điệu, Ban Tổ chức lễ tang mời các lãnh đạo, thành viên Ban Tổ chức lễ tang, các đoàn dự lễ tang, đơn vị nghi lễ vào vị trí tổ chức lễ truy điệu.
Khi mọi người đã vào vị trí ổn định, Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: "Lễ truy điệu đồng chí (cấp bậc, họ tên) bắt đầu” hoặc "Lễ truy điệu các đồng chí liệt sĩ (hoặc các đồng chí sĩ quan, hạ sĩ quan) đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngày…. tháng… năm ... bắt đầu”. Sau đó, mời Trưởng ban Tổ chức lễ tang đọc điếu văn. Trường hợp lễ tang từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên, Trưởng ban lễ tang đọc điếu văn lần lượt cho từng cán bộ, chiến sĩ hy sinh theo thứ tự ưu tiên chức vụ, cấp bậc hàm, tuổi đời; đọc điếu văn xong, Trưởng ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: "Phút mặc niệm bắt đầu” đồng thời thực hiện động tác quay hướng về phía linh cữu.
Người điều khiển âm thanh mở nhạc "Hồn tử sĩ”, nếu có Đội nhạc lễ Công an nhân dân thì cử nhạc "Hồn tử sĩ”.
Đội danh dự thực hiện động tác bồng súng chào. Tất cả mọi người dự lễ truy điệu đứng nghiêm, mặc niệm; cán bộ, chiến sỹ mặc trang phục Công an nhân dân thực hiện động tác chào. Kết thúc nhạc "Hồn tử sĩ”, các đại biểu thôi mặc niệm, Đội danh dự thôi chào.
Đại diện Ban Tổ chức lễ tang hoặc đại diện gia đình phát biểu cảm ơn.
Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: "Lễ truy điệu đồng chí (cấp bậc, họ tên) kết thúc”, hoặc "Lễ truy điệu các đồng chí liệt sĩ (hoặc các đồng chí sĩ quan, hạ sĩ quan) đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngày…. tháng… năm ...) kết thúc”, rồi mời các lãnh đạo, đại biểu, các đoàn, gia đình nghỉ tại chỗ năm phút và chuẩn bị đưa thi hài ra xe tang. Đội nhạc lễ (nếu có), Đội danh dự, tiêu binh ra khỏi vị trí. Các đội công tác thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
d) Lễ đưa tang
Chuyển linh cữu lên xe tang: Đội nghi lễ và đoàn xe tang triển khai đội hình theo quy định; cán bộ, chiến sĩ danh dự gấp Công an kỳ phủ trên linh cữu; hai cán bộ, chiến sĩ mang ảnh, giá Huân chương đến vị trí trước linh cữu để đi trước linh cữu; đội khiêng linh cữu vào khiêng linh cữu ra xe, các đại biểu, Ban Tổ chức lễ tang có thể cùng tham gia khiêng linh cữu. Trường hợp lễ tang từ hai cán bộ, chiến sĩ hy sinh trở lên, linh cữu được khiêng ra xe tang lần lượt theo thứ tự ưu tiên chức vụ, cấp bậc hàm, tuổi đời.
Khi linh cữu được khiêng ra, thứ tự đi sau linh cữu là gia đình, các lãnh đạo, tiếp đến là đại biểu và các đoàn. Đến xe tang, đặt linh cữu lên xe tang hoặc giá kéo. Cán bộ, chiến sĩ mang ảnh, giá Huân chương để lên xe chở Công an kỳ. Đối với lễ tang của sĩ quan cấp uý, hạ sĩ quan, chiến sĩ không có xe Công an kỳ thì mang ảnh, giá Huân chương (nếu có), lên xe linh cữu. Bộ phận khiêng hoa, hương đưa hoa, hương lên xe theo quy định. Lãnh đạo, gia đình, đại biểu, thân quyến lên các xe đưa tang.
Đưa tang: Khi linh cữu đã được đặt lên xe chở linh cữu (hoặc xe kéo), các lực lượng đã chuẩn bị xong, Ban Tổ chức lễ tang ra lệnh cho đoàn xe tang xuất phát, thứ tự các xe như sau: Xe chỉ huy của Ban Tổ chức lễ tang; xe Công an kỳ, ảnh, huân, huy chương; xe Đội danh dự Công an nhân dân; xe chở Đội nhạc (nếu có); xe chở hoa; xe chở linh cữu (hoặc xe kéo linh cữu); xe gia đình; xe các lãnh đạo; xe đại diện đơn vị, đại biểu; xe Ban Tổ chức lễ tang.
Tốc độ, hành trình, cự ly của các xe đưa tang do Ban Tổ chức lễ tang quy định, nhưng phải bảo đảm tuyến đường đi từ nơi tổ chức lễ viếng đến nơi an táng hoặc hỏa táng, điện táng là hợp lý nhất. Không thực hiện rước di ảnh qua nơi ở. Trường hợp đặc biệt do lãnh đạo Bộ Công an quyết định.”.
Điều 4. Điều khoản thi hành.
-
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26 tháng 02 năm 2025.
-
Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
-
Cục Công tác đảng và công tác chính trị chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, việc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Bộ (qua Cục Công tác đảng và công tác chính trị) để được hướng dẫn./.
Bộ trưởng | |
---|---|
(Đã ký) | |
Đại tướng Lương Tam Quang |