BỘ CÔNG THƯƠNG Số: 02/2025/TT-BCT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 1 tháng 2 năm 2025 |
---|
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực, bao gồm: Khoản 4 và khoản 5 Điều 69, khoản 4 Điều 70, điểm d khoản 1 Điều 71 của Luật Điện lực.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
-
Đơn vị điện lực, bao gồm: Đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vi bán điện;
-
Tổ chức, cá nhân hoạt động thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, xây dựng, sửa chữa công trình điện lực và thiết bị, dụng cụ điện;
-
Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị, dụng cụ điện thuộc danh mục thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định theo quy định của Bộ Công Thương;
-
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện;
-
Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Chủ sở hữu công trình điện lực là tổ chức, cá nhân sở hữu công trình phát điện, trạm điện, truyền tải điện, phân phối điện.
- Đơn vị quản lý vận hành công trình điện lực là đơn vị trực tiếp tham gia hoạt động điện lực được Chủ sở hữu công trình điện lực giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình phát điện, trạm điện, truyền tải điện, phân phối điện.
- Người vận hành, thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, xây lắp, sửa chữa đường dây tải điện hoặc thiết bị điện là người lao động của các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, xây lắp điện, dịch vụ sửa chữa, sử dụng điện để sản xuất (có trạm điện riêng) trực tiếp thực hiện các công việc vận hành, thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, xây lắp, sửa chữa đường dây tải điện hoặc thiết bị điện.
- Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào kết cấu kim loại của hàng rào, vật cản, vật che chắn (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ.
- Tổ chức kiểm định là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện được Bộ Công Thương chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có chức năng đánh giá, công nhận các thiết bị, dụng cụ điện đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Chương II. AN TOÀN ĐIỆN
Mục 1 SỬ DỤNG ĐIỆN LÀM PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TRỰC TIẾP
Điều 4. Điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
Cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải có đủ các điều kiện sau đây:
-
Được Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng (đối với đơn vị quân đội) cho phép theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
-
Việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt hàng rào điện phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 5 Thông tư này.
-
Chỉ được phép đưa hàng rào điện vào sử dụng khi chủ đầu tư đã hoàn thành công tác nghiệm thu theo quy định, đã bàn giao đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến xây dựng hệ thống hàng rào điện cho đơn vị quản lý vận hành và đơn vị quản lý vận hành đã bố trí đủ nhân sự theo quy định.
-
Trước khi đưa hàng rào điện vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình, biểu mẫu phục vụ công tác quản lý vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống hàng rào điện và quy trình an toàn điện.
Điều 5. Yêu cầu kỹ thuật của hệ thống hàng rào điện
-
Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt an toàn, tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, không gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống, bảo đảm vững chắc trong điều kiện mưa bão và đảm bảo mỹ quan.
-
Hàng rào điện có thể được bố trí kết hợp với hàng rào bảo vệ khác hoặc được bố trí độc lập nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Nếu hàng rào điện được bố trí kết hợp với hàng rào bảo vệ khác thì hàng rào điện phải được bố trí phía trên, độ cao treo vật dẫn điện không nhỏ hơn 2,5 m so với mặt đất;
b) Nếu hàng rào điện được bố trí độc lập thì phía ngoài và phía trong của hàng rào điện phải có hàng rào bảo vệ để đề phòng người, động vật có thể tiếp xúc ngẫu nhiên với hàng rào điện. Khoảng cách giữa hàng rào điện với hàng rào bảo vệ không nhỏ hơn 2,0 m.
-
Dọc theo suốt hàng rào điện về cả 2 phía phải đặt biển báo ở nơi dễ nhận thấy "DỪNG LẠI! CÓ ĐIỆN NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” theo quy định về biển báo an toàn điện. Biển báo được gắn cố định ở độ cao 1,7 - 2,0 m so với mặt đất và khoảng cách giữa 2 biển báo không quá 20 m.
-
Điện áp sử dụng cho hàng rào điện được quy định như sau:
a) Dưới 1.000 V khi dùng nguồn điện xoay chiều;
b) Không quy định đối với điện áp xung khi dùng nguồn điện một chiều.
-
Tại khu vực làm việc của người trực phải có hệ thống báo động tín hiệu âm thanh và ánh sáng. Hệ thống báo động phải làm việc khi xảy ra mất điện trên hàng rào điện hoặc xuất hiện dòng điện chạm đất, dòng điện ngắn mạch. Tín hiệu báo động chỉ được giải trừ khi có thao tác của người trực. Việc kiểm tra sự hoạt động bình thương của hệ thống báo động được thực hiện mỗi khi giao ca bằng các nút thử.
-
Vật dẫn điện phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật sau:
a) Vật liệu làm vật dẫn cho hàng rào điện có thể là tấm, lưới hoặc dây, thanh kim loại. Nếu sử dụng dây thép mạ hoặc lưới thép, tiết diện dây không nhỏ hơn 6 mm2. Trường hợp sử dụng dây đồng hoặc dây nhôm phải có tiết diện không nhỏ hơn 10 mm2. Dây dẫn đơn không được có mối nối ở giữa khoảng trụ. Trường hợp cần nối thì 2 đầu dây phải quấn cố định quanh cổ sứ cách điện, sau đó mới nối 2 đầu dây bằng kẹp nối, tết xoắn hoặc bằng phương pháp hàn.
b) Vật dẫn điện phải được gắn cố định, chắc chắn trên sứ cách điện. Khoảng cách giữa hai sứ đỡ một vật dẫn theo chiều dài không được quá 5 m. Khoảng cách giữa hai vật dẫn của hai pha liền kề hoặc giữa pha với đất không quá 0,20 m.
c) Sứ cách điện thông thường không được đặt nghiêng quá 45 độ so với phương thẳng đứng. Trường hợp cần đặt sứ nghiêng quá 45 độ phải sử dụng loại sứ có cách điện tăng cường.
Mục 2 ĐÁNH GIÁ AN TOÀN KỸ THUẬT công trình phát điện
Điều 6. Công trình phát điện phải thực hiện đánh giá an toàn kỹ thuật
-
Nhà máy nhiệt điện;
-
Dự án điện gió;
-
Dự án điện gió trên biển;
-
Dự án điện mặt trời (trừ dự án điện mặt trời mái nhà; dự án điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ).
Điều 7. Chu kỳ thực hiện đánh giá an toàn kỹ thuật đối với công trình phát điện
- Đánh giá an toàn kỹ thuật lần đầu:
a) Đối với các công trình phát điện đã đi vào hoạt động: Hoàn thành việc đánh giá lần đầu trong thời gian tối đa 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
b) Đối với các công trình phát điện chưa đi vào vận hành chính thức: Thực hiện việc đánh giá an toàn kỹ thuật lần đầu trong thời gian 05 năm kể từ ngày đưa công trình phát điện vào vận hành chính thức theo quy định của pháp luật.
- Đánh giá an toàn kỹ thuật lần tiếp theo, các công trình phát điện phải được đánh giá an toàn kỹ thuật theo định kỳ 05 năm/01 lần.
Điều 8. Nội dung đánh giá an toàn kỹ thuật công trình phát điện
- Việc đánh giá an toàn kỹ thuật công trình phát điện được thực hiện thông qua việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp của chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý vận hành công trình phát điện kết hợp với kết quả kiểm định của tổ chức kiểm định bao gồm các nội dung sau:
a) Đánh giá mức độ an toàn của các thiết bị, dụng cụ điện thuộc danh mục phải kiểm định (theo kết quả kiểm định kỳ gần nhất và kiểm tra trực quan).
b) Đánh giá mức độ an toàn của các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (theo kết quả kiểm định kỳ gần nhất và kiểm tra trực quan, máy móc thiết bị kiểm tra khác nếu có).
c) Đánh giá công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, an toàn công trình/hạng mục công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.
d) Đánh giá nguyên nhân các sự cố trong kỳ kiểm tra trên cơ sở theo hồ sơ bảo trì, xử lý, khắc phục sự cố trong kỳ báo cáo; hiện trạng công trình và nguyên nhân gây sự cố khác (nếu có).
đ) Đánh giá rủi ro, nguy cơ mất an toàn, sự cố trong quá trình vận hành công trình phát điện và kế hoạch ứng phó các sự cố.
- Xử lý kết quả kiểm tra, đánh giá
a) Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, hư hỏng, khuyết tật tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thì cần thực hiện gia cố, sửa chữa hoặc thay thế mới (nếu cần thiết) để bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành khai thác, sử dụng. Trường hợp do điều kiện thực tế chưa thể thực hiện gia cố, sửa chữa, khắc phục được ngay thì cần có biện pháp cảnh báo hoặc kế hoạch, lộ trình xử lý phù hợp.
b) Đối với yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn nằm ngoài phạm vi công trình thì Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý vận hành công trình phát điện thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
c) Trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận báo cáo đánh giá an toàn kỹ thuật công trình phát điện tiến hành kiểm tra kết quả đánh giá an toàn kỹ thuật công trình phát điện theo quy định của pháp luật về điện lực và pháp luật khác có liên quan.
Điều 9. Báo cáo kết quả đánh giá an toàn kỹ thuật công trình phát điện
-
Trước ngày 15 tháng 12 theo kỳ báo cáo, Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý vận hành công trình phát điện có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá an toàn kỹ thuật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan tiếp nhận báo cáo tại khoản 2 Điều này.
-
Cơ quan tiếp nhận báo cáo
a) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan tiếp nhận của Bộ Công Thương về báo cáo đánh giá an toàn kỹ thuật của các công trình phát điện từ Cấp I trở lên và công trình phát điện nằm trên địa bàn hành chính từ 2 tỉnh trở lên.
b) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tiếp nhận báo cáo đánh giá an toàn kỹ thuật của các công trình phát điện trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
- Hình thức gửi báo cáo
Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý vận hành công trình phát điện gửi báo cáo đến cơ quan tiếp nhận báo cáo bằng các hình thức trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống văn bản điện tử.
Mục 3 NỘI DUNG KIỂM TRA AN TOÀN TRONG PHÁT ĐIỆN, TRUYỀN TẢI ĐIỆN, PHÂN PHỐI ĐIỆN, SỬ DỤNG ĐIỆN
Điều 10. Nội dung kiểm tra an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực, bao gồm:
a) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.
b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm.
c) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
d) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió và công trình nguồn điện khác.
-
Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn điện.
-
Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
Điều 11. Nội dung kiểm tra an toàn trong sử dụng điện
- Nội dung kiểm tra an toàn trong sử dụng điện cho mục đích sản xuất:
a) Kiểm tra mức độ phù hợp của hệ thống điện phục vụ sản xuất với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện.
b) Kiểm tra việc lắp đặt biển cấm, biển báo về an toàn điện theo quy định của pháp luật.
c) Kiểm tra công tác huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người lao động trực tiếp làm các công việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống điện của đơn vị sản xuất.
d) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng thiết bị, dụng cụ điện thuộc danh mục phải kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị dụng cụ điện.
đ) Kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật khác về an toàn điện
- Nội dung kiểm tra an toàn trong sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ
a) Kiểm tra hiện trạng hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, dịch vụ so với thông tin tổ chức, cá nhân sử dụng điện đã đăng ký với đơn vị bán điện theo quy định của pháp luật.
b) Kiểm tra công tác bảo đảm chất lượng của các thiết bị, dụng cụ điện lắp đặt trong hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng điện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
c) Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn và các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây cháy lan sang đồ vật, trang thiết bị khác khi xảy ra sự cố chập, cháy hệ thống cung cấp điện trong nhà ở, công trình.
đ) Kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật khác về an toàn điện.
Chương III. KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐIỆN
Điều 12. Danh mục các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định
- Các thiết bị điện sử dụng ở môi trường không có nguy hiểm về khí cháy, bụi nổ có cấp điện áp danh định trên 01 kV, bao gồm:
a) Chống sét van.
b) Máy biến áp.
c) Máy cắt.
d) Cáp điện.
đ) Cầu dao cách ly, cầu dao tiếp địa.
- Dụng cụ điện phải kiểm định: Sào cách điện.
Điều 13. Nội dung kiểm định
Nội dung kiểm định được quy định trong các quy trình kiểm định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này tương ứng với từng loại thiết bị, dụng cụ điện.
Điều 14. Chu kỳ kiểm định
-
Kiểm định lần đầu được thực hiện trước khi đưa vào sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
-
Kiểm định định kỳ được thực hiện trong quá trình sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện:
a) Đối với các thiết bị điện trong dây chuyền đang vận hành không thể tách rời để kiểm định riêng lẻ, được kiểm định theo chu kỳ đại tu dây chuyền thiết bị.
b) Đối với thiết bị điện trên hệ thống điện quốc gia được chủ đầu tư áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị hoặc phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng đến độ tin cậy theo tiêu chuẩn tương ứng, chủ đầu tư căn cứ kết quả phân tích, đánh giá tình trạng thiết bị để quyết định chu kỳ và hạng mục kiểm định, bảo đảm chu kỳ thực hiện không quá 72 (bẩy mươi hai) tháng.
c) Đối với các thiết bị, dụng cụ điện không thuộc điểm a, điểm b khoản này, được kiểm định định kỳ theo quy định của nhà sản xuất, nhưng không quá 36 (ba mươi sáu) tháng.
- Kiểm định bất thường
a) Thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Khi đã khắc phục xong sự cố, sau đại tu, sửa chữa hoặc theo nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
Điều 15. Quy trình kiểm định
-
Tổ chức kiểm định có trách nhiệm thực hiện các bước kiểm định theo quy trình đã ban hành.
-
Xử lý kết quả sau kiểm định
a) Thiết bị, dụng cụ điện sau kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem kiểm định ở vị trí dễ quan sát và tránh được tác động không có lợi của môi trường và được cấp giấy chứng nhận kiểm định sử dụng bản giấy hoặc bản điện tử.
b) Thiết bị, dụng cụ điện sau kiểm định không đạt yêu cầu thì không cấp giấy chứng nhận kiểm định mới và xóa tem kiểm định cũ (nếu có), chỉ cấp biên bản kiểm định trong đó nêu rõ lý do không đạt.
c) Trường hợp thiết bị, dụng cụ điện ở vị trí không thể thực hiện việc dán tem theo điểm a khoản này thì khi kết thúc kiểm định được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.
- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm định, tổ chức kiểm định có trách nhiệm cấp biên bản kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định cho tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện được kiểm định. Nội dung chính của giấy chứng nhận kiểm định theo Biểu mẫu II.7 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện
-
Lập danh sách thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định.
-
Lựa chọn tổ chức kiểm định thiết bị, dụng cụ điện đáp ứng quy định tại Điều 17 Thông tư này.
-
Có biện pháp bảo đảm an toàn cho kiểm định viên của tổ chức kiểm định khi thực hiện kiểm định và hệ thống thiết bị điện liên quan đang vận hành theo các quy định của Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn liên quan đến an toàn điện.
-
Duy trì và đảm bảo sự phù hợp của các thiết bị và dụng cụ điện trong quá trình sử dụng sau khi được kiểm định, theo các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam.
-
Lưu giữ hồ sơ kết quả kiểm định bản giấy hoặc bản điện tử. Thời gian lưu giữ tối thiểu 02 (hai) chu kỳ kiểm định liên tiếp.
Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức kiểm định
- Tổ chức kiểm định phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 9 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và được Bộ Công Thương cấp giấy đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị dụng cụ điện theo quy định.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ.
2. Ban hành quy trình kiểm định trên cơ sở quy trình kiểm định quy định tại Điều 15 Thông tư này và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gửi cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định để quản lý, kiểm tra, giám sát.
3. Thực hiện việc kiểm định thiết bị, dụng cụ điện trong phạm vi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định và theo đúng quy trình kiểm định đã đăng ký, bảo đảm chất lượng và thời gian thực hiện.
4. Bảo đảm tính chính xác của hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định và duy trì đầy đủ năng lực kiểm định đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
5. Bảo đảm các máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Chỉ được sử dụng máy móc, thiết bị của tổ chức, đơn vị khác để thực hiện kiểm định khi có hợp đồng thuê, mượn máy móc, thiết bị với tổ chức, đơn vị sở hữu thiết bị.
6. Chỉ được sử dụng kiểm định viên thuộc tổ chức kiểm định khác để thực hiện kiểm định khi đã có thỏa thuận hợp tác bằng văn bản với tổ chức kiểm định ký hợp đồng lao động với kiểm định viên.
7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định của kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý và kiểm định viên thuộc tổ chức kiểm định có thỏa thuận hợp tác bằng văn bản để thực hiện kiểm định.
8. Tổ chức kiểm định thiết bị, dụng cụ điện có cấp điện áp từ 110 kV trở lên phải có ít nhất 04 kiểm định viên trình độ từ đại học trở lên, thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với đối tượng kiểm định, có kinh nghiệm tối thiểu 24 tháng trong lĩnh vực kiểm định hoặc lĩnh vực chuyên môn có liên quan, đã hoàn thành khóa học huấn luyện, sát hạch đạt yêu cầu về nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn với đối tượng kiểm định.
9. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, cấp thẻ kiểm định viên thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị dụng cụ điện theo quy định của pháp luật.
10. Trước ngày 30 tháng 01 hằng năm, tổ chức kiểm định có trách nhiệm báo cáo định kỳ kết quả hoạt động kiểm định của năm trước về Bộ Công Thương hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
11. Báo cáo Bộ Công Thương về mọi thay đổi có ảnh hưởng đến năng lực hoạt động kiểm định đã đăng ký trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
12. Thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư này, quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Điều 18. Trách nhiệm của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
- Giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định của tổ chức kiểm định theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền cho Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp ký thừa ủy quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định của tổ chức kiểm định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
-
Công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương danh sách các tổ chức kiểm định và thông tin về Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định.
-
Có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện của các tổ chức kiểm định, các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
-
Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện của tổ chức kiểm định, các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện trên địa bàn quản lý.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Hiệu lực thi hành
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
- Các văn bản sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
a) Thông tư số 13/2022/TT-BCT ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Bộ Công Thương ban hành Thông tư bãi bỏ khoản 6 Điều 7 Thông tư số 05/2021/TT-BCT ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện.
b) Thông tư số 05/2021/TT-BCT ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện.
c) Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.
d) Quyết định số 07/2006/QĐ-BCN ngày 11 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp về việc quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
- Bãi bỏ Điều 3 Thông tư số 28/2017/TT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 21. Quy định chuyển tiếp
-
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định được Bộ Công Thương cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại.
-
Tổ chức nộp hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện và đang được Bộ Công Thương (thông qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) tiếp nhận, thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chỉnh sửa hoàn thiện, bổ sung hồ sơ đăng ký sau ngày hiệu lực của Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 22. Tổ chức thực hiện
- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này.
- Khi các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của pháp luật mới ban hành.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương (qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) để kịp thời xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG Thứ trưởng | |
---|---|
(Đã ký) | |
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài |