THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 50/1999/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1999 |
---|
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 – 2000
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 01/LĐTBXH-TCDN ngày 02 tháng 01 năm 1999 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 – 2000.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000 (kèm theo Quyết định này) với những nội dung chủ yếu sau:
-
Tên Kế hoạch: Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000.
-
Cơ quan quản lý Kế hoạch: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
-
Mục tiêu của Kế hoạch:
Năm 1999 đào tạo nghề cho 670.000 người, trong đó 120.000 người được đào tạo nghề dài hạn và 550.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn.
Năm 2000 đào tạo nghề cho 780.000 người, trong đó 150.000 người được đào tạo nghề dài hạn và 630.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 13,4% để thực hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 22% vào cuối năm 2000.
- Một số quan điểm chỉ đạo phát triển đào tạo nghề:
Đào tạo nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực và gắn với giải quyết nhu cầu việc làm của người lao động.
Có chính sách và cơ chế đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nghề để phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo nghề, mở rộng và đa dạng hoá các loại hình dạy nghề ngắn hạn (nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm) và đào tạo nghề dài hạn (nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động).
Nhà nước quản lý thống nhất về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo nghề, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống các Trường và Trung tâm dạy nghề.
Ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư có trọng điểm để hình thành những cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.
- Nhiệm vụ đào tạo nghề giai đoạn 1999-2000:
a) Quy hoạch hệ thống mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương.
b) Củng cố và phát triển các trường dạy nghề trọng điểm, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nghề ngắn hạn.
c) Tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy nghề.
d) Đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động; từng bước đào tạo nghề phổ cập cho người lao động, trong đó ưu tiên đào tạo, phổ cập nghề cho lao động nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá nông thôn và đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ.
đ) Hoàn thiện các chính sách cơ bản:
-
Chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân
-
Chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề.
-
Chính sách đối với cán bộ, giáo viên dạy nghề.
-
Chính sách đối với học sinh học nghề.
-
Chính sách sử dụng những người có trình độ nghề cao.
e) Tăng ngân sách cho đào tạo nghề và đổi mới cơ chế cấp phát, quản lý và sử dụng ngân sách cho đào tạo nghề.
g) Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nghề.
- Kinh phí của Kế hoạch:
a) Nguồn kinh phí đầu tư:
-
Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước (bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).
-
Nguồn đóng góp của học viên.
-
Nguồn vốn viện trợ và tín dụng.
-
Các nguồn vốn khác.
b) Kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch sẽ được cụ thể hoá và bố trí cho từng nội dung hoạt động của Kế hoạch.
Điều 2. Giao cho các cơ quan sau đây quản lý và thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000:
-
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề trên cơ sở thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định hiện hành về kế hoạch hoá.
-
Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm đủ và kịp thời ngân sách Nhà nước để thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; cấp ngân sách cho các ngành, các địa phương và hướng dẫn cơ quan tài chính cấp phát kinh phí theo chỉ tiêu đến từng cơ sở dạy nghề theo chỉ tiêu kế hoạch đã được sự thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
-
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ quyết định về chính sách phân luồng vào các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; phân luồng vào các trường dạy nghề, các trường trung học chuyên nghiệp và các trường cao đẳng, đại học đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
-
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000 của ngành, địa phương mình; báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ (thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000.
-
Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí của người thợ và của công tác đào tạo nghề đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
-
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với các đoàn thể quần chúng về việc các đoàn thể quần chúng tham gia thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000 trong phạm vi hoạt động của đoàn thể mình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT. THỦ TƯỚNG | |
---|---|
Phó Thủ tướng | |
(Đã ký) | |
Phạm Gia Khiêm |