BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN Số: 15/2001/CT-BVHTT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Toàn quốc, ngày 23 tháng 2 năm 2001 |
---|
CHỈ THỊ
Về việc tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp "đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển’’ giai đoạn 2002-2005
Ngày 16/7/1993, Bộ Văn hóa- Thông tin và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã ký Chương trình phối hợp hành động " Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới từ năm 1993 đến năm 2000’’. Trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, nội dung và quy mô được mở rộng và phát triển, đổi tên thành Chương trình phối hợp " Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin trên các tuyến biên giới bờ biển’’.
Tháng 10 năm 2000, Ban chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp trong 7 năm (1993-2000) và thống nhất đánh giá kết quả như sau: " Trong những năm qua, Chương trình đã đóng góp phần xoá các điểm trắng về văn hóa-thông tin, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào các dân tộc biên giới, góp phần giữ vững lòng dân, động viên quân dân biên giới xây dựng biên cương vững mạnh; lồng ghép có hiệu quả các chương trình kinh tế-xã hội và đem lại hiệu quả chính trị-xã hội rất tích cực trong việc xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở địa phương, xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới’’.
Tuy nhiên, Chương trình còn bộc lộ một số tồn tại là: Sự nhất trí về nhận thức có lúc, có nơi chưa cao nên sự phối hợp trong chỉ đạo chưa thật chặt chẽ; có nơi triển khai chậm, quy chế phối hợp trong chỉ đạo chưa rõ ràng cụ thể, nhất là ở cấp huyện cơ sở. Việc chỉ đạo xây dựng các tổ, đội tuyên truyền văn hóa ở một số nơi còn gặp khó khăn và chưa được tích cực, chủ động tháo gỡ, chưa trở thành thiết kế văn hóa ở địa phương; nội dung, hình thức hoạt động còn đơn điệu, nặng chiếu video và biểu diễn văn nghệ, chưa coi trọng lồng ghép các hình thức chuyển tải và các nội dung thông tin cần thiết cho đồng bào; chưa phối hợp tốt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng làng, bản, gia đình văn hóa và bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc. Những biện pháp chỉ đạo thực hành nghiệp vụ về thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’’ chưa được quan tâm đầy đủ. Việc đầu tư kinh phí và trang bị phương tiện hoạt động chưa được khảo sát, điều tra cụ thể nên hiệu quả còn hạn chế...
Bước vào thế kỷ mới, đất nước ta đang đứng trước những thuận lợi và thách thức mới. Vắn đề chủ quyền an ninh biên giới, bờ biển, hải đảo, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đã, đang và sẽ còn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lâu dài để tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Vì vậy, công tác vận động quần chúng, cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế văn hóa, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc là vấn đề cấp thiết, nhất là trong lúc đời sống các mặt của đồng bào hiện nay còn thấp, khoảng cách về hưởng thụ với các vùng khác còn lớn, các thế lực thù địch đang lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân.
Nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 5 (khóa VIII) của Trung ương Đảng " Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’’, Chỉ thị 39/1998 của Thủ tướng Chính phủ về " Đẩy mạnh công tác văn hóa- thông tin ở vùng miền núi, và vùng đồng bào dân tộc thiểu số’’ và trước tình hình mới của những năm đầu thế kỷ XXI, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin, sau khi thống nhất với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, chỉ thị cho toàn ngành văn hóa- thông tin như sau:
- Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp " Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin trên các tuyến biên, giới bờ biển’’ giai đoạn II từ 2001 đến 2005.
a. Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp các cấp ở giai đoạn I tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn II trên cơ sở củng cố, kiện toàn thêm đối với những nơi đã thành lập. Những nơi chưa có cần được thành lập ngay, nhất là ở cấp huyện và đồn.
b. Những tỉnh nào chưa tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của Chương trình phối hợp giai đoạn I cần phải tổng kết, tìm biện pháp triển khai cụ thể. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo các địa phương cần xây dựng kế hoạch của giai đoạn II (2001-2005) và kế hoạch cụ thể năm 2001 dựa trên kế hoạch của Ban chỉ đạo cấp Trung ương.
c. Ở cấp Trung ương vẫn thực hiện quy định về chế độ và nguyên tắc hoạt động của Ban chỉ đạo ban hành ngày 14 tháng 8 năm 1999 (số 3235/VHTT-BĐBP).
Các địa phương căn cứ vào quy định của Ban chỉ đạo cấp trung ương để xây dựng quy chế hoạt động phù hợp, thiết thực cho cấp mình.
- Trước mắt, Sở Văn hóa- Thông tin các tỉnh biên giới, biên phòng phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các hoạt động văn hóa –thông tin sôi nổi, rộng khắp và có chất lượng nhằm chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm "Ngày biên phòng’’ (3-3)- năm đầu của thế kỷ XXI.
Tại các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị cần có ngay các hình thức phối hợp lực lượng nhằm tuyên truyền, vận động quần chúng chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình’’ của các thế lực thù địch, bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nhân dịp này, các đơn vị sự nghiệp văn hóa-thông tin, các đoàn nghệ thuật cần đến phục vụ cán bộ, chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng biên giới ,bờ biển.
- Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp các cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa- Thông tin, Các Sở Văn hóa- Thông tin có biên phòng, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kế hoạch, kết quả về Thường trực Ban chỉ đạo (Vụ Văn hóa Dân tộc- Miền núi).
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký.
Bộ trưởng | |
---|---|
(Đã ký) | |
Nguyễn Khoa Điềm |